Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 5-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về các nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo về một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chủ trương xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12-4-2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên xem xét tại phiên họp.
Các ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, mối đe dọa lớn nhất đối với đất nước chúng ta thời điểm này, đó là đại dịch Covid-19. Đại dịch đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là đang tàn phá nặng nề các nước láng giềng của chúng ta. Sau nhiều nỗ lực hết sức mình của cả hệ thống chính trị, sau nhiều ngày chúng ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì nay dịch đã xuất hiện ở một số địa phương, diễn biến nhanh và phức tạp, đe dọa sự nỗ lực của chúng ta và nếu không kiểm soát tốt, dịch có thể làm xô đổ, cuốn trôi mọi thành quả, thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua của chúng ta... Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, sẽ còn lâu dài, chưa thể khẳng định thời điểm hết dịch. Vì thế, phải sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, phải sống an toàn khi dịch còn đâu đó quanh ta.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, gần 1 năm rưỡi qua, chúng ta đã làm tốt công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tình hình có nhiều thay đổi, ngoài triển khai tốt hơn các biện pháp hiện nay thì nên có cách tiếp cận mới, phân cấp mạnh hơn cho các địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng góp ý, cần đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao thế chủ động trong chống dịch, ưu tiên giải pháp về công nghệ và vắc xin như công nghệ phát hiện nhanh người tiếp xúc gần…
Đánh giá cao, cơ bản đồng tình đối với báo cáo của Bộ Y tế, các ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với nhận định, chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn.
Thủ tướng lưu ý, hiện nay, số ca nhiễm mới, ca tử vong trên bản đồ dịch bệnh thế giới tiếp tục tăng; việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng nhiều hơn trong thời gian qua; xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly (khi về địa phương) còn bất cập; biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp.
Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “Chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng cho rằng, phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vắc xin và tiêm vắc xin trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.
Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả. Tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng, chống dịch song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”.
Đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch vừa qua để kế thừa, phát huy những việc tốt, những việc gì đã làm được nhưng phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới về công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là “5K + vắc xin” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.
“Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19”. Cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, không để ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công ăn việc làm của người dân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các giải pháp bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 phù hợp, hiệu quả, tránh cực đoan, nhưng cũng tránh lơ là, chủ quan.
Chính phủ nhất trí giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện.