Với khí thế mới, quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, ngoài việc xây dựng chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân; nếu người đứng đầu thực sự năng động, sáng tạo, nhất là gần dân, sát dân, sẵn sàng "hòa mình" cùng nói, cùng làm với đồng bào thì niềm tin, sức mạnh đoàn kết sẽ càng được nhân lên, từ đó đi đến nhiều thành công.
Như rất nhiều lần khác, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La Giàng A Ký hôm nay dành thời gian xuống bản gặp gỡ, thăm hỏi người dân.
Đến nhà ai, ở bản nào, anh cũng được bà con đon đả đón chào vì hầu hết không ai còn xa lạ với Bí thư Đảng ủy xã nhà.
Lóng Luông là xã cuối cùng trên trục quốc lộ 6 đi về miền xuôi tính từ trung tâm tỉnh Sơn La, có 1.350 hộ, gần 7.000 nhân khẩu, đa phần đồng bào Mông sinh sống. Do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, tinh thần vươn lên chưa cao, trước đây có giai đoạn có tới một nửa số hộ dân trong xã thuộc diện hộ nghèo.
Bản thân cũng là người Mông, am hiểu văn hóa và nếp sống của đồng bào mình, Bí thư Đảng ủy Giàng A Ký luôn trăn trở về định hướng phát triển sản xuất, làm sao “thổi” quyết tâm để bà con tích cực làm ăn thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Nhiều lần cấp ủy bàn bạc, Nghị quyết được đưa ra là bà con ở vùng thấp, dọc trục quốc lộ 6 sẽ đầu tư trồng cây đào, bán cành hoa mùa Tết; bà con ở các bản có nhiều đất dốc thì tập trung chăn nuôi gia súc và chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả như mận hậu, chanh leo, xoài… ; rồi việc chuyển hóa địa bàn cũng được chú trọng bởi nhiều năm nay, Lóng Luông vẫn “nóng” về ma túy.
Có những bản như Lũng Xá – Tà Dê còn được coi là “Thánh địa” của những ông trùm ma túy, trong đó có những tên trùm chuyên điều hành đường dây ma túy xuyên quốc gia đã bị "sa lưới"… Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Bí thư Ký đã thường xuyên có mặt ở các cơ sở bản, đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động với tinh thần “mưa dầm thấm đất”.
“Trong cộng đồng người Mông thì có các trưởng dòng họ, người có uy tín trong bản. Khi xuống bản làm việc với người dân, tôi trực tiếp đến làm việc với từng gia đình và từng dòng họ. Qua tuyên truyền, đến giờ phút này có thể khẳng định bà con nhân dân đã nhận thức được và họ cũng đã có sự thay đổi” - anh Giàng A Ký chia sẻ.
Những chủ trương hợp lòng dân của Bí thư Ký và tập thể cấp ủy được người dân đón nhận. Nhờ vậy, vùng đất khó năm xưa đã chuyển mình mạnh mẽ, với gần 400 ha đào hiện hữu, nhiều hộ trồng đào có thu nhập 200 – 300 triệu mỗi năm; hàng trăm ha cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc cũng được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, “biến” nông sản thành hàng hóa, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đến hết năm 2020 toàn xã chỉ còn 15%.
Không chỉ “Ngày thứ 7 cùng dân”, mà hầu như tất cả các ngày trong tuần, chỉ trừ khi họp, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) Bùi Tiến Sỹ lại xuống bản, hòa mình vào cơ sở, “xắn tay” hăng hái cùng bà con bạt ta luy, san nền, cuốc đất, làm bờ kè, hay xây mương… Những lúc như thế, không ai nghĩ bàn tay thoăn thoắt, gương mặt rám nắng với nét mặt tươi vui tràn đầy sức sống ấy là Bí thư Đảng ủy xã.
Với riêng Bùi Tiến Sỹ thì anh xác định, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muốn các chủ trương, chính sách được triển khai hiệu quả, trước hết, mỗi một cán bộ lãnh đạo phải thực sự gần dân, sát dân để hiểu dân.
“Chúng tôi có 15 tổ công tác do 15 ủy viên Ban Chấp hành, hoặc những cán bộ có trình độ, có năng lực phụ trách các tổ đó. 15 tổ công tác phụ trách 15 bản, hàng ngày ở với dân, cùng với nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cùng triển khai các giải pháp để thực hiện mọi việc theo đúng phương châm là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và phải làm để dân tin” - anh Sỹ chia sẻ.
Rút kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết của Đảng bộ huyện Mường La và xã Ngọc Chiến, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bí thư Sỹ thấy rằng, không thể nói chung chung mà mỗi nội dung cần phải xây dựng các chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
Từ đó, trong năm đầu thực hiện Nghị quyết này, lúc đầu xã chỉ thống nhất xây dựng 11 chương trình hành động, nhưng sau nâng thành 18, rồi 21 và hiện tại là 39, bao gồm các chương trình hành động cụ thể như: Xây cổng bản; làm đường giao thông; làm đường điện thắp sáng bản làng; diệt cỏ dại, trồng cỏ voi, mỗi bản chọn một đoạn suối làm guồng nước để phát triển du lịch lòng suối; vận động người dân các bản giữ gìn tiếng dân tộc…
Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ cho biết, trước khi xây dựng, mỗi chương trình hành động đều được lấy ý kiến từ người dân, xem bản mình, vùng mình cần đầu tư gì, làm gì trước, sau… Sợi chỉ xuyên suốt để làm nên sức mạnh trong quá trình thực hiện là sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết của nhân dân.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nếu chúng ta tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và khai thông được tư tưởng cho nhân dân để nhân dân đồng thuận vào cuộc thì từ việc nhỏ đến việc lớn tất cả đều xong và đều đạt được hiệu quả cao, đều mang lại giá trị tinh thần và giá trị vật chất rất lớn” - Bí thư Sỹ khẳng định.
95 tuyến đường, với tổng chiều dài 45 km được bê tông hóa; hơn 2.000 cột điện thắp sáng khắp các bản; 15/15 bản có cổng chào khang trang, mang đậm nét văn hóa dân tộc, trở thành điểm sáng để các địa phương…Những thành quả mà người dân Ngọc Chiến được hưởng hôm nay mang dấu ấn không nhỏ của Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ và tập thể Đảng ủy nơi đây, khi đã luôn “xắn tay” cùng dân đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Chị Lò Thị Vượng, hội viên phụ nữ xã Ngọc Chiến bày tỏ: “Có Bí thư năng động sáng tạo, ra các chủ trương, Nghị quyết hợp lý, vì dân, không biết ngày nghỉ, thứ 7, chủ nhật trời nắng hay mưa cũng luôn sát sao với dân, đồng hành cùng dân, hết bản này sang bản khác.. Với tốc độ thế này thì xã Ngọc Chiến chắc chắn sẽ xóa được đói, giảm được nghèo, sẽ ngày càng phát triển hơn”.
Tỉnh Sơn La có 12 huyện, thành phố, với 204 xã, phường, thị trấn. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc các địa phương đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong xây dựng chương trình hành động phù hợp với thực tiễn, nhờ vậy kinh tế - xã hội có sự phát triển đáng ghi nhận. Điển hình tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 đạt hơn 5,4% mỗi năm; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt hơn 56.000 tỷ đồng, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm nay còn 18,38%...
Theo ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, kết quả này có những đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người đứng đầu cấp ủy các cấp, nhất là ở cơ sở, ngoài quy tụ được sức mạnh và trí tuệ của tập thể cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chính sách sát hợp với thực tiễn, còn chủ động " hòa mình" vào cơ sở để “thổi” sức mạnh cho sự đoàn kết, phát triển.
“Thực tiễn đã chứng minh, cán bộ nào, phong trào đó. Muốn có phong trào mạnh thì phải có cán bộ mạnh. Những năm qua, tỉnh Sơn La rất coi trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Qua thực tiễn cho thấy ở đâu Bí thư, Chủ tịch thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân, thì ở đó ổn định, phát triển và ngược lại” - ông Lò Minh Hùng khẳng định.
Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc, một trong 3 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cho hay, ngoài làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ, giải pháp được địa phương chú trọng là đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn, từ đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của họ trong tập hợp đoàn kết của nhân dân, bởi đoàn kết tạo nên sức mạnh; sự hòa quyện của “ý Đảng, lòng dân” sẽ làm nên nhiều thành công mới.
Thực tiễn ở Sơn La cho thấy, nếu ý Đảng thực sự bắt nguồn từ lòng dân, từ nhu cầu của đời sống nhân dân sẽ xây nên những chủ trương đúng, trúng; Đồng thời, người cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, làm tốt vai trò dẫn dắt quần chúng thì đích đến chắc chắn sẽ là sự ổn định và phát triển./.
Thu Thùy/VOV-Tây Bắc