Nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng trước đó đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 07 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII.
So với quy định cũ, một trong những điểm đáng chú ý là Quy định 69 điều chỉnh tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với vi phạm được quy định trước đây. Cụ thể, tại Điều 6 bổ sung quy định về tình tiết tăng nặng đối với vi phạm của tổ chức đảng: “Biết mà không ngăn chặn hoặc để cán bộ, đảng viên thuộc tổ chức mình trực tiếp quản lý xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Tiến Hưng, thực tiễn đã chứng minh, giữa tổ chức đảng và đảng viên luôn có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau. Trong vi phạm của tổ chức đảng có nguyên nhân xuất phát từ vi phạm của đảng viên sinh hoạt trong tổ chức và ngược lại, vi phạm của đảng viên có trách nhiệm của tổ chức đảng trực tiếp quản lý.
Việc hợp nhất hai Quy định 07 và Quy định 102 thành Quy định kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm để đảm bảo nghiêm khắc kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xác định trách nhiệm của từng cá nhân và ngươc lại, khi thi hành kỷ luật đảng viên phải kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm của tổ chức đảng.
“Việc bổ sung tình tiết tăng nặng đối với tổ chức đảng để thống nhất với quy định của pháp luật về việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí với mục đích tăng cường tính răn đe, giáo dục, quản lý đảng viên của tổ chức đảng và trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – ông Trần Tiến Hưng cho biết.
Nhấn mạnh Quy định 69 phản ánh toàn diện, đầy đủ các hành vi và chế tài xử lý làm căn cứ để kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, ông Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương cho rằng, tổ chức đảng là nơi trực tiếp quản lý cũng như giao nhiệm vụ, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên là lãnh đạo quản lý.
Tuy nhiên, tổ chức đảng lại không bám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, để họ mắc sai phạm đến mức nghiêm trọng thì phải tăng nặng mức xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng đó. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi Đảng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Vũ Văn Phúc, việc bổ sung tình tiết tăng nặng đối với vi phạm của tổ chức đảng xuất phát từ lý do thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao mắc sai phạm nhưng tổ chức đảng không phát hiện ra mà chủ yếu do báo chí và nhân dân phát hiện. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khi phát biểu kết luận tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) vừa qua cũng cho biết, “có nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
“Tổ chức đảng quản lý, bình bầu đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó họ bị kỷ luật hoặc xử lý hình sự, vậy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng ở đâu? Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình như thế nào?” – ông Vũ Văn Phúc đặt câu hỏi.
Tổ chức đảng mất sức chiến đấu khi không quản lý tốt đảng viên
Thực tế trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua cho thấy, nếu tổ chức đảng không quản lý tốt cán bộ, đảng viên, không giao nhiệm vụ, không kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của họ thì sau đó đều xảy ra sai phạm. Điều đó cũng cho thấy sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng ở đó rất kém, thậm chí gần như tê liệt.
Song cũng có một thực tế rất đáng suy ngẫm là tổ chức đảng ở nơi xảy ra vi phạm nhiều khi lại được xếp loại là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực chiến đấu, tinh thần phê bình và tự phê bình rất cao. Do đó, cần phải xem xét lại việc đánh giá, xếp loại, làm sao phải thực chất nhất.
“Cần phải nghiêm túc trong việc đánh giá, xếp loại hàng năm. Tổ chức nào còn yếu kém thì phải xếp loại khách quan, nghiêm túc để mọi người thấy rõ chất lượng ở đó như thế nào. Đối với đảng viên cũng cần đánh giá đúng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đúng phẩm chất đạo đức, tránh tình trạng đảng viên vừa được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, hoặc truy tố trước pháp luật” – ông Vũ Văn Phúc cho biết.
Lấy ví dụ vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số cán bộ lãnh đạo bộ và đơn vị xảy ra vi phạm trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.
Hay như ở Bộ Y tế, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ đã thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật Nhà nước, xảy ra sai phạm trong hiệp thương giá, mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
“Gần như các tổ chức đảng quản lý đảng viên ở đây không nắm được cán bộ đang làm gì, thực hiện nhiệm vụ ra sao. Thậm chí có người tham nhũng rất nghiêm trọng nhưng tổ chức đảng không hề biết. Điển hình như một số Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, hay lãnh đạo Bộ Y tế cũng được tổ chức đảng đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng sau một thời gian những người này bị xem xét kỷ luật hoặc truy tố hình sự. Điều đó cho thấy trách nhiệm của tổ chức đảng ở đây rất lớn”.
Ông Vũ Văn Phúc nói như vậy, đồng thời nhấn mạnh Quy định 69 như một thể chế ban đầu để thực hiện phương châm làm thế nào để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý không dám, không thể, không muốn, không cần tham nhũng. Cùng với những điều khoản cụ thể về xử lý vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, Quy định 69 được kỳ vọng sẽ là “liều thuốc đặc trị” khiến nhiều cán bộ đang tham nhũng cũng phải chùn tay và nhiều người, trong đó có cán bộ lãnh đạo sẽ không dám tham nhũng./.
Kim Anh/VOV.VN