Biểu đồ: T.Bình. |
Cập nhật mới nhất theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 3,52 triệu USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên 29,44 tỷ USD.
Kết quả trong tháng 9 dù cao hơn mức bình quân của 7 tháng đầu năm (khi chưa có EVFTA) khoảng 300 triệu USD, nhưng có chiều hướng sụt giảm so với tháng đầu tiên khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU có hiệu lực (tháng 8/2020 đạt 3,78 tỷ USD).
Đáng chú ý, tăng trường xuất khẩu sang EU có chiều hướng thấp hơn mức bình quân chung cả nước nên tỷ trọng đóng góp ở tkhu vực này vẫn trên xu thế giảm.
Nếu trong 7 tháng đầu năm, EU đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, thì lũy kế sang hết tháng 8 con số này xuống mức 14,8% và lũy kế hết tháng 9 tiếp tục xuống còn 14,5%.
Sự sụt giảm của xuất khẩu sang thị trường EU xuất phát từ những nhóm hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; dệt may; giày dép…
Hết tháng 9, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang EU đạt 7,9 tỷ USD, dù thị trường này vẫn duy trì vị thế số 1 nhưng quy mô kim ngạch sụt giảm 16,5% so với cùng kỳ 2019.
Trong khi kết quả của dệt may và giày dép lần lượt là 2,69 tỷ USD, giảm 16,4%; 3,07 tỷ USD, giảm 15,8%.
Ở chiều nhập khẩu, tỷ trọng đóng góp cũng có xu hướng giảm tương tự.
Tính hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 11,09 tỷ USD, chiếm 6% tổng kim ngạch cả nước. Trong khi tỷ trọng tính hết tháng 7/2020 đang ở mức 6,1%.
Dù EVFTA mới có hiệu lực hơn 2 tháng và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian ngắn vừa qua chưa nói lên nhiều điều.
Nhưng rõ ràng kết quả xuất nhập khẩu với EU trong giai đoạn đầu Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên có hiệu lực cho thấy, để chinh phục và tăng tốc được ở thị trường khó tính như EU là không hề dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có nhiều đổi mới trong nâng cao chất lượng, thương hiệu, đảm bảo về xuất xứ sản phẩm… để tận dụng được cơ hội do EVFTA mang lại.