Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2023. Qua thống kê, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc có sự bứt phá ngoạn mục trong thời gian này.
Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng 16%, sang Trung Quốc tăng hơn 30%. Với thị trường Nhật Bản chỉ tăng khiêm tốn hơn 5%. Thị trường lớn thứ 4 là Hàn Quốc, kết quả xuất khẩu tương đương cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đều có doanh thu và sự phục hồi rõ rệt. Ảnh minh họa: TTXVN |
Riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I tăng 15%; xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 - 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Tại thị trường Trung Quốc, cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I-2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý khi thị trường Australia nằm trong top 5 thị trường lớn nhất và mang lại kim ngạch cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hơn 18%, trong top 8 là Canada với mức tăng mạnh 59% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thị trường nội địa còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác như vấn đề thẻ vàng đánh bắt bất hợp pháp (IUU) của thị trường châu Âu, thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc… Do vậy, doanh nghiệp luôn cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, đồng thời sẵn sàng những cú huých để hồi phục và bứt phá sớm hơn dự kiến.
Hiện ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như còn 3 tháng nữa sẽ đến đợt kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về quá trình khắc phục khai thác bất hợp pháp, không khai báo (IUU), hay bất cập trong sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào cho chuỗi cung ứng tăng…
Dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng của ngành hàng tôm và cá tra đã mang lại sự tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay. Thời gian tới, để đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành hàng thủy sản, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thủy sản Việt Nam.
VIỆT CHUNG
Nguồn QĐND