Các cấp ủy địa phương đang xây dựng, ban hành Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030. Trong các nhiệm vụ, giải pháp có nhắc tới một nội dung đáng chú ý là "Cụ thể hóa các quy định của Trung ương về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ và việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ".
Giải pháp nói trên là sự cụ thể hóa của địa phương đối với một nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp này rất khó thực hiện bởi ở ta chưa có văn hóa từ chức và chuyện bị mất chức, xuống chức là một điều bất thường. Gần như không ai muốn trong cuộc đời làm cán bộ mà phải từ chức, bị mất chức hoặc giáng chức. Người ta thường thấy rằng khi bổ nhiệm cán bộ thì quy trình, tiến độ rất nhanh nhưng khi cán bộ phải xuống chức thì thời gian thực hiện rất lâu. Thời gian qua, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ theo hướng buộc phải giảm cấp trưởng, cấp phó. Đại đa số mọi người đều muốn mình giữ chức vụ, không ai muốn bị hạ cấp bởi đi liền với chức vụ là quyền lợi, danh dự... Chuyện phải xuống chức như điều gì đó tai hại lắm. Thông thường người ta mới chỉ thấy chuyện từ chức, xuống chức vì lý do như sức khỏe yếu, bị xử lý kỷ luật. Rất ít trường hợp xin từ chức, xuống chức do không đáp ứng được yêu cầu công việc, đạo đức kém hoặc chịu trách nhiệm về một sự cố nào đó.
Muốn tạo được văn hóa từ chức và chuyện "có lên, có xuống", "có vào, có ra" là bình thường thì phải có cơ chế cụ thể. Một khi chưa có cơ chế để buộc cán bộ phải từ chức, xuống chức thì những giải pháp theo hướng kêu gọi tinh thần tự nguyện sẽ không hiệu quả. Ở nước ta hiện nay chưa có cơ chế cụ thể trong vấn đề này. Trung ương chưa có thì các địa phương càng khó thực hiện.
Ở các nước phát triển, chuyện từ chức, xuống chức, mất chức là một nét văn hóa, một chuyện bình thường. Chỉ cần một sự cố, một bê bối thuộc lĩnh vực quản lý, trách nhiệm của ai đó trong cơ quan công quyền thì họ thường sẽ xin lỗi, xin từ chức. Không chỉ ở những nước đó đã tạo ra được cơ chế từ chức mà những người giữ chức vụ trong chính quyền còn coi trọng danh dự, trách nhiệm. Họ cũng buộc phải từ chức khi mắc sai lầm lớn vì nếu không sẽ phải đối mặt với quy trình luật pháp buộc họ phải mất chức...
Ở Việt Nam, dù chưa có văn hóa từ chức nhưng lịch sử cũng từng ghi nhận những trường hợp điển hình như nhà giáo Chu Văn An; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và ở thời hiện đại đó là nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ. Với chuyện "có lên, có xuống", Nguyễn Công Trứ là một điển hình. Trong gần 30 năm làm quan dưới triều Nguyễn, ông từng bị giáng chức 5 lần và cũng nhiều lần được thăng chức, tùy theo công lao hoặc vi phạm, hạn chế trong công việc của mình. Trong sách "Văn minh Việt Nam", học giả Nguyễn Văn Huyên viết: "Ở thời Lê, những kỳ thi nghiệp vụ được mở 10 năm một lần, ai không xứng đáng sẽ bị giáng cấp. Dưới các triều Lê và Nguyễn, việc thăng những chức vụ cao không chậm như thời Trần, nhưng trái lại, việc giáng cấp xảy ra thường xuyên lại đe dọa những quan đại thần danh giá nhất nếu họ lăm le muốn lơ là phận sự".
Có cơ chế cụ thể là cái gốc để tạo dựng văn hóa từ chức. Những kinh nghiệm từ quá khứ và những bài học của nhiều nước tiên tiến trên thế giới là những gợi ý quan trọng cho chúng ta. Việc nêu gương trong vấn đề này là hết sức cần thiết. Khi tư tưởng học để làm quan không còn nặng nề, khi không làm cán bộ thì làm việc khác vẫn có cuộc sống tốt đẹp, lúc ấy văn hóa từ chức bắt đầu hình thành./.