Có Luật Công nghệ cao (CNC) từ năm 2008, cùng nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho CNC phát triển nhưng số lượng khu CNC được thành lập trên cả nước đến nay vỏn vẹn có 4 khu tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Đồng Nai. Tại Đồng Nai, dự án Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-TTg từ năm 2016. Khu CNC này có diện tích gần 210ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ), chức năng là nghiên cứu, ươm tạo, phát triển, chuyển giao, ứng dụng CNC trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Theo đánh giá của Bộ KH-CN, với tốc độ phát triển như hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn, thì các khu CNC là không thể thiếu đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động, các khu CNC gặp những vướng mắc kéo dài đến nay chưa được tháo gỡ như: vẫn chưa đưa được những nội dung ưu đãi đối với các dự án đầu tư có tính chất đột phá và đặc biệt chưa có cơ chế khuyến khích các khu CNC đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Thực tế, cần có sự nhìn nhận lại những vấn đề đang vướng mắc cần tháo gỡ từ địa phương, kiến nghị từ các bộ, ban, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách, pháp luật cũng như những ưu đãi đầu tư vào các khu CNC. Đặc biệt, yêu cầu từ thực tiễn về việc sửa đổi, bổ sung Luật CNC, bởi đến thời điểm này, nhiều ưu đãi dành cho CNC không còn phù hợp.
Chẳng hạn, tỉnh đang đề xuất Chính phủ cho mở rộng Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai lên khoảng 500ha và đa dạng ngành nghề để phát huy hiệu quả cao hơn nhưng lại gặp vướng mắc là trong luật chưa có quy định về việc mở rộng các khu CNC hoặc cho thu hút đa ngành. Do đó, hồ sơ đề xuất mở rộng khu CNC của Đồng Nai vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Tương tự, Khu CNC TP.HCM hiện đã lấp đầy, muốn mở rộng diện tích nhưng cũng chưa có cơ chế để thực hiện.
Theo kinh nghiệm phát triển hiệu quả từ các khu CNC tại TP.HCM và Hà Nội, để đạt được những kết quả khả quan cần các yếu tố như: quyết tâm của cả hệ thống chính trị địa phương, sự tập trung, linh hoạt trong thu hút đầu tư, cơ chế một cửa tại chỗ, chính sách đãi ngộ đặc thù cho nhân sự ban quản lý khu CNC… Về lựa chọn nhà đầu tư vào khu CNC, cần theo tiêu chí “3 cao, 3 thấp”; trong đó “3 cao” gồm: CNC, vốn đầu tư cao, mang lại giá trị gia tăng cao và “3 thấp” gồm: ô nhiễm thấp, sử dụng lao động thấp và sử dụng năng lượng thấp.
Tuy nhiên, để các khu CNC phát triển, mở rộng, cần sự “cởi trói” về cơ chế, chính sách. Đầu tiên, cần có cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân vào việc phát triển khu CNC, không để mỗi bộ quản lý một khu CNC chuyên ngành của mình mà nên có chính sách chung. Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương chủ động trong việc mời gọi đầu tư, lựa chọn các dự án CNC. Như vậy, khi doanh nghiệp muốn bổ sung thủ tục đầu tư hay gặp vướng mắc sẽ được giải quyết kịp thời, hoạt động sẽ hiệu quả hơn. Có như vậy, về lâu dài, các khu CNC mới có thể phát triển và đem lại nhiều giá trị cao hơn cho KT-XH các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Báo Đồng Nai