Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy Đảng cũng đã và đang triển khai quyết liệt việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, phẩm chất.
Song thực tế công tác sàng lọc đảng viên vẫn chưa đạt được ý nguyện của nhân dân cũng như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 28 ngày 20/1/2019 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và sàng lọc đảng viên của Ban Bí thư đặt ra.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từ đầu năm 2000 đến nay, các cấp ủy ở Hà Tĩnh đã xem xét xóa tên hơn 220 đảng viên do bỏ sinh hoạt Đảng, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức khai trừ đối với hơn 100 đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước; 109 đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp.
Còn ở tỉnh Phú Thọ, số đảng viên bị xóa tên từ đầu năm 2000 đến nay cũng gần 180 người. Tại Hà Nội, tính từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy Đảng cũng đã xem xét xóa tên hơn 1300 đảng viên.
Nhìn vào danh sách các đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng trong thời gian qua ở các địa phương cho thấy, mẫu số chung của các đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng là do thiếu tinh thần trách nhiệm, không giữ vững phẩm chất trung kiên, gương mẫu của người đảng viên; có biểu hiện suy thoái phẩm chất chính trị, xem nặng lợi ích cá nhân hơn lợi ích chung của tổ chức, của cộng đồng.
Ông Trần Hữu Ích – nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, những đảng viên vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bên cạnh đó, tổ chức Đảng tiếp tục kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, đây là một quy luật tất yếu, là 2 mặt của một vấn đề.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc rà soát, sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách hiện nay vẫn còn những khó khăn, trở ngại nhất định. Trước đó, trong quá trình đánh giá, nhận xét, sàng lọc đảng viên ở các chi bộ chưa thực sự quyết liệt, còn sự nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Từ thực tế công tác của mình, ông Đường Hoài Nam – Bí thư Quận ủy Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Khó khăn, vướng mắc nhất của các chi bộ khi làm thủ tục này là đó là sự nể nang, ngại va chạm, bởi vì đồng chí mình cùng quê hương, cùng hàng xóm”.
Ngoài sự né tránh, nể nang, ngại va chạm thì quy trình xem xét xóa tên đảng viên cũng gây nhiều vướng mắc cho cơ sở. Nhiều trường hợp đảng viên nơi khác về sinh hoạt ở chi bộ nhưng không tham gia sinh hoạt ở chi bộ nhiều tháng, Bí thư Chi bộ không liên lạc được và cũng không nhận được sự hợp tác, trao đổi của đảng viên. Nên khi làm thủ tục xóa tên, thủ tục thực hiện rà soát, đưa ra khỏi Đảng hiện nay cũng chưa rõ ràng, minh bạch và khó thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đức Hà (chuyên gia cao cấp về xây dựng Đảng), để sàng lọc đảng viên có hiệu quả hơn, trước hết phải nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, khắc phục tính nể nang, né tránh trong sinh hoạt chi bộ.
“Mọi hoạt động của đảng viên đều trong tầm kiểm soát của chi bộ. Trong chi bộ có thẳng thắn hay không, có quyết liệt hay không, hay chi bộ nể nang, hữu khuynh, né tránh? Tất cả đều liên quan đến chất lượng kết nạp đảng viên mới cũng như liên quan đến việc sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” – ông Nguyễn Đức Hà cho biết.
Việc rà soát, sàng lọc đảng viên là công việc thường xuyên của từng cấp ủy, nhưng đây cũng không phải là vấn đề đơn giản, phải được thực hiện ở nhiều khâu, từ khâu kết nạp, quản lý đảng viên đến xử lý đảng viên vi phạm, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp. Để thực hiện hiệu quả các vấn đề đặt ra, cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn trong tất cả các cấp ủy Đảng trên tinh thần tôn trọng các nguyên tắc của Đảng./.
Tiến Anh/VOV1