Nhận thức về ý nghĩa của cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc viết: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.[2]
Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng của Cách mạng tháng Mười. Tháng 7/1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cái cốt lõi trong tư tưởng của Lênin là: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm.
Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"[3].
Lãnh tụ V.I. Lênin (Ảnh tư liệu)
Người đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[4]. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.[5]
Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế và thời đại.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn.
Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công: “Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[6].
Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Mác, Ăng ghen, Lê-nin khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin đã vận dụng rất thành công. Nhận thức về sứ mệnh của Đảng, ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[7].
Đi theo con đường của Lênin, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi
trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc cho rằng để xây dựng Đảng Cộng sản, trước hết phải giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng chính trị và phương pháp tổ chức cho những người yêu nước; phải giác ngộ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam theo lập trường cách mạng vô sản… Trong quá trình huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc không chỉ truyền bá lý luận Mác-Lênin vào công nhân mà còn truyền bá vào các tầng lớp trí thức yêu nước.
Ngày 23/12/1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm tới Trung Quốc, triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp tại Hồng Kông ( họp từ ngày 06/01/1930) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, đưa đến thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 30 của thế kỷ XX.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam và là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất nước. Người luôn khẳng định đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam mà nhờ đó mới tạo nên nhiều chiến công lẫy lừng của dân tộc. Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng, Người chủ trương và dành nhiều tâm lực xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.
Từ sự chuẩn bị mọi mặt cho cách mạng về Đảng, về lực lượng, về cách thức, phương pháp tiến hành cách mạng, đến trình độ nhận thức nhạy bén, đánh giá xu thế chuyển biến của cục diện chính trị quốc tế, khu vực trong thời đại mới; sự phát triển của các phong trào cách mạng, phong trào hòa bình, dân chủ trên thế giới; thế và lực của cách mạng nước ta và đối phương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những nhận định ngay từ tháng 5/1941: “ Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.[8] Sau khi biết tin thắng trận của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh trên chiến trường Châu Âu đánh bại phát xít Đức, tiếp đó quân Đồng minh tiến hành phản công trên Mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương và trong nước, phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra dồn dập, lực lượng chính trị, vũ trang phát triển nhanh chóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần chuẩn bị hết sức gấp rút để phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền đúng thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa. Trong những ngày đầu tháng 8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho nhiều cán bộ cấp cao ở Tân Trào: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”.[9]
“Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.[10]
Minh Dương
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 387.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 562.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr 304.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr.304.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 391.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr 289.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.7, tr. 100.
[9] Anh cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 159.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 397.