Thực tế câu chuyện giá gạo thời gian qua cho thấy, dư địa để nâng cao thu nhập của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi lúa gạo nằm ở yếu tố công nghệ. Chính yếu tố công nghệ góp phần rất lớn trong việc giảm thất thoát, đảm bảo chất lượng hạt lúa vẫn tươi mới, không bị mất phẩm chất từ thời điểm thu hoạch tại ruộng cho đến bảo quản, chế biến và trên bàn ăn của mỗi gia đình.
Tổn thất sau thu hoạch lúa ở các khâu chiếm khoảng 10%
Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Nguyên Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP) phân tích, tại ĐBSCL, trước đây tổn thất sau thu hoạch rất cao, khoảng trên 16%, nhờ sự nỗ lực hỗ trợ của các bộ ngành, viện trường, cho đến hiện tại, khâu sấy lúa đạt khoảng 70 -75%, khâu bảo quản đạt khoảng 90-95% còn khâu xay xát khoảng gần 100%
Chính vì thế, việc giảm thất thoát là một yếu tố quan trọng, giúp tối ưu các chi phí trong quá trình chế biến lúa gạo, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà sản xuất. Gần đây, một số doanh nghiệp ĐBSCL thực hiện tốt hơn khâu xylo, từ trước đến nay doanh nghiệp thường sử dụng máy sấy công nghệ cũ chất lượng chưa tốt, chênh lệch về độ ẩm cuối cùng sau sấy lên đến khoảng 3%. Trong khâu chế biến, hiện tại đã giảm được tổn thất đáng kể. Tổn thất sau thu hoạch ở tất cả các khâu quanh mức khoảng 10%, mục tiêu hướng đến còn tổn thất khoảng 7-8%.
Theo ông Tấn, đối với khâu sau thu hoạch, cần ứng dụng công nghệ trong từng khâu để giảm tổn thất, cải thiện chất lượng lúa gạo của Việt Nam. Đồng thời cần tính đến tổ chức quản lý, bao gồm tổ chức quản lý nâng cao hiệu quả của công nghệ, tối ưu hóa hiệu quả của các thiết bị công nghệ.
“Làm thế nào để tối ưu hóa làm việc của các thiết bị, giảm chi phí năng lượng, cái đó là công nghệ. Còn về khâu tổ chức, quản lý trong chuỗi sản xuất gồm có liên kết giữa nhà nông, HTX, các doanh nghiệp xay xát, chế biến và xuất khẩu. Có tổ chức liên kết chặt chẽ thì mới có thể kiểm soát tốt hơn chất lượng của lúa gạo từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Như thế mới có thể giảm tổn thất, giảm chi phí trong sản xuất, chế biến và có thể tăng hiệu quả đầu tư về thiết bị, công nghệ cho các cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo”, ông Tấn nói.
Theo các chuyên gia chuyên về chế biến, bảo quản sau thu hoạch, tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, người nông dân thực hiện công đoạn sản xuất rất vất vả để cho ra những hạt gạo có giá trị tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi giá trị hạt gạo này chưa được đảm bảo chuẩn chất lượng tốt nhất nên uy tín của gạo Việt Nam chưa được thừa nhận đầy đủ.
Đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng gạo Việt Nam
Thực tế đang diễn ra cho thấy, phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay vẫn là ghe tàu, nhưng thực sự cần hiện đại hóa phương tiện này, vừa ngăn chặn các yếu tố bên ngoài tác động vào gạo, vừa giúp giảm thất thoát trong quá trình vận chuyển lúa gạo. Bằng việc đầu tư tốt hơn vào công nghệ, từ sau khi thu hoạch cho đến khâu lưu trữ và sấy, chất lượng gạo Việt Nam sẽ được đảm bảo tốt nhất để phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất.
Theo ông Abbas Asif, quản lý kinh doanh giải pháp chế biến lúa gạo của Buhler, Việt Nam hiện tại đang có trữ lượng gạo cần trữ và sấy quá lớn, nhiều khi sẽ phải đưa gạo đi rất xa, gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo sau thu hoạch. Vì vậy, cần tính đến biện pháp làm thoáng gió cho các ghe chuyên chở lúa gạo.
Chuyên gia Buhler đề xuất về phương pháp sấy từng mẻ, tổ chức những xylo ở quy mô vừa phải để trữ lúa sau khi sấy, sau khi bắt đầu xay xát chế biến để tiếp tục vận chuyển đi cho các công đoạn sau.
“Hiện tại, khi chúng ta có một cơ sở sấy và tồn trữ quá lớn thì đặt áp lực đưa rất nhiều lúa từ nhiều nơi, thời gian di chuyển rất xa. Sấy thành từng phần hoặc chúng ta cải tiến những công nghệ ghe lúa để thông gió, đây là ý tưởng rất hay. Tuy nhiên, cũng cần phải có khoảng thời gian nhất định để xây dựng được đội ngũ ghe lúa mới”, ông Abbas Asif cho biết.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam bị thất thoát từ 14-35%, trong đó, ngành lúa gạo thất thoát khoảng 14%/năm. Thất thoát sau thu hoạch xảy ra ở tất cả các khâu nhưng khâu sấy là cao nhất, mặc dù số lượng máy sấy đã đáp ứng từ 80-90% nhu cầu, nhưng do phần lớn lò sấy ở Việt Nam chưa tự động hóa và phụ thuộc vào kỹ năng của người vận hành. Nếu người vận hành không có kỹ năng sẽ làm cho nhiệt độ và tốc độ sấy cao làm hạt lúa bị rạn nứt… ảnh hưởng lớn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo ông Jens Vinther Jensen, Giám đốc điều hành Công ty cung cấp giải pháp nông nghiệp FTT của Đan Mạch, nước này trước đây cũng từng gặp những vấn đề tương tự như Việt Nam hiện nay. Chính vì đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mà ngành nông nghiệp Đan Mạch đã có thể phát triển mạnh. Còn đối với gạo Việt Nam, tuy có giá trị cao nhưng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ðể ngành lúa gạo đi đường dài một trong những yếu tố quyết định đối với hiệu quả hoạt động/chi phí của nhà sản xuất chính là giảm thất thoát gạo và tối ưu các chi phí trong quá trình chế biến lúa gạo.
Cũng theo ông Jens Vinther Jensen, để giảm thất thoát sau thu hoạch, hạt lúa cần phải được xử lý trong quy trình tốt nhất. Lúa gạo rất nhạy cảm với điều kiện nóng ẩm của Việt Nam, vì thế cần sử dụng công nghệ sấy hiện đại và bảo quản trong silo với môi trường được kiểm soát, hệ thống bảo quản thời gian dài sẽ vẫn giữ được chất lượng gạo ở mức tốt nhất.
“Để giảm thất thoát sau thu hoạch thì tất cả các hạt lúa cần được xử lý sấy trong một quy trình tốt nhất. Với phương án, công nghệ sấy phù hợp không chỉ là phương án sấy, sau khi sấy lúa cần được lưu trữ trong những xylo được kiểm soát bằng phần mềm với cảm biến, ẩm độ trước khi đưa vào nhà máy xay xát. Với công nghệ sấy trộn vòng sấy khí liên tục sẽ giúp cho việc sấy lúa đồng đều đến từng hạt lúa. Thay vì việc ẩm độ không đồng đều theo công nghệ truyền thống thì công nghệ sấy khí trộn dòng liên tục sẽ giúp sấy đến từng hạt lúa và độ đồng đều cao”, ông Jens Vinther Jensen khuyến nghị.
Theo nhiều chuyên gia, về dài hạn, giá gạo tăng cao chưa hẳn là lợi thế đối với Việt Nam mà có thể dẫn tới nguy cơ mất thị trường. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư vào công nghệ, từ sau khi thu hoạch cho đến khâu lưu trữ và sấy sẽ giúp chất lượng gạo được đảm bảo tốt nhất để phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất; qua đó nâng cao hiệu quả và giá trị của chuỗi sản xuất. Từ đó, góp phần đảm bảo lợi ích, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân cũng như nâng cao tính cạnh tranh bền vững của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thanh Tùng - Phạm Hải/VOV-ĐBSCL