Thời gian qua có nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành đã hỗ trợ nâng cao đời sống, cải thiện rõ rệt sinh kế của người dân và đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông thế mạnh, tiềm năng kinh tế - xã hội của vùng.
Đã nhiều năm nay, không ít bản làng, nương rẫy ở các vùng đồng bào dân tộc trở thành điểm du lịch thu hút khách trong nước và quốc tế. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, truyền thống văn hóa, những tập tục đặc sắc của 53 dân tộc thiểu số anh em, đã thực sự trở thành nét độc đáo riêng có, thành vốn quý của du lịch Việt Nam.
Như tâm sự của ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La: “Vân Hồ là xứ lạnh, hoa quả thì tháng nào cũng có như là mận đào, rau củ quả. Khách trải nghiệm và hái tại vườn, thu mua nhiều. Có thể mang về Hà Nội, khách muốn gọi điện lên thì chúng tôi sẽ cung cấp, sẽ hái và chuyển trực tiếp xe khách về Hà Nội cho khách du lịch.”
Những khu vực tự cung tự cấp trước đây, nay đã được kết nối giao thông thuận lợi trở thành các vùng sản xuất rau quả, dược liệu đặc sản. Lợi thế của khu vực miền núi, đồng bào dân tộc càng được phát huy giá trị khi các công trình hạ tầng điện, trường, trạm y tế, dịch vụ viễn thông... từng bước được hoàn thiện. Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ với gần 1.700 tỷ đồng. Nếu tính cả các nguồn lực viện trợ và huy động toàn xã hội, tổng nguồn kinh phí bố trí cho giai đoạn này lên tới trên 16 nghìn 700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020 đã có hàng chục nghìn công trình hạ tầng được xây dựng đưa vào sử dụng, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, hàng vạn km đường các loại đến từng thôn, bản đã hoàn thành...
Đời sống của đồng bào vùng dân tộc đang từng bước được nâng lên, nhiều khu vực đã trở thành nơi thu hút nhà đầu tư, không ít người đã bỏ phố về phát triển kinh tế tại bản, làng. Chính sách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cùng với việc tập huấn kỹ thuật, đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư thành công các mô hình sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Trước thực tế, diện tích đất sản xuất đang ngày càng thu hẹp do phát triển các khu công nghiệp, đô thị hóa, các bộ ngành, địa phương quan tâm đào tạo nghề cho nhân lực trẻ dân tộc thiểu số, phối hợp với các doanh nghiệp ưu tiên tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc tại địa phương. Từ đó giúp các em có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn.
Ông Nguyễn Chí Nhân, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ và kinh tế công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các em học sinh tham gia chương trình học tập 9+ được nhà trường bố trí chỗ ăn, chỗ ở miễn phí. Trong quá trình học tập, nhà trường liên hệ với các doanh nghiệp để tổ chức cho các em thực tập trải nghiệm có hưởng lương để các em trang trải chi phí sinh hoạt, cuộc sống.”
Những chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã mang lại những kết quả rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân 7% và tăng dần hằng năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 4%/năm. Có 27 huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 31 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn quốc có 316 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với trên 109.000 học sinh. Giai đoạn 2016-2020, có trên 800 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người.
Cùng với đó, từng thời kỳ, Đảng ta có những chính sách cụ thể ưu tiên cho từng khu vực. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định, mục tiêu đến năm 2030 Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa, dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số... Để thực hiện chủ trương lớn này, từ đầu năm 2023, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk ), đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên làm động lực cho phát triển cả vùng, được triển khai thực hiện, đã nhận được sự đồng thuận cao không chỉ của người dân Đăk Lăk.
Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là cần thiết, nhằm đẩy nhanh xây dựng Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là động lực phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nguyên, đây là vùng có địa bàn chiến lược quan trọng, trong việc bảo vệ Quốc phòng an ninh của đất nước và là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng kinh tế xã hội chậm phát triển nên cần thiết phải có một cơ chế đặc thù để thúc đẩy kinh tế xã hội của vùng này phát triển.”
Đến nay, các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được lồng ghép tập trung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nhằm phát triển toàn diện kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình từ nay đến 2025 là trên 137 nghìn tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực và một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm đạt mục tiêu tích hợp các chính sách, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo đủ nguồn lực tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các vùng khó khăn nhất trong các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.”
Từ những chính sách thiết thực trong nhiều năm qua của Đảng, nhà nước đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo động lực để vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc, đóng góp chung vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước.
Nguyên Nhung/VOV1