Sau khi danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp được công bố, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND sẽ bước vào giai đoạn tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Ở bước này, thông qua 2 hình thức chủ yếu là hội nghị tiếp xúc cử tri và qua hệ thống các phương tiện thông tin tuyên truyền, ngoài những thông tin lý lịch trích ngang của người ứng cử do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cung cấp, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND sẽ có các cuộc gặp gỡ trực tiếp với cử tri để trình bày chương trình hành động của mình nếu được lựa chọn cũng như giải đáp các thắc mắc của cử tri, giúp cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử.
Ứng cử viên có thể tương tác với cử tri qua mạng xã hội
Tiến sĩ Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) cho biết, nhiều cơ quan như Hội đồng Dân tộc, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ban công tác đại biểu, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… đã có hướng dẫn người ứng cử đại biểu Quốc hội ở khối mình cách thức xây dựng chương trình hành động cũng như cách thức vận động bầu cử.
Trong quy trình 5 bước của công tác bầu cử, vận động bầu cử được xem là khâu cực kỳ quan trọng bởi nếu không có khâu này, cử tri sẽ không biết bỏ phiếu cho ai, cử tri có thể biết tên, chức vụ, lý lịch của ứng cử viên; nhưng họ có thể giúp gì cho cử tri, cho đất nước sau này khi trở thành đại biểu Quốc hội, HĐND thì cần thiết phải thông qua hoạt động vận động bầu cử.
Theo quy định của luật, sẽ có khoảng 20 ngày cho công tác vận động bầu cử. Trong khoảng thời gian này, MTTQ tổ chức cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri. Ở các hội nghị này, ngoài thông tin tóm tắt tiểu sử của ứng cử viên do MTTQ cung cấp, người ứng cử trực tiếp giới thiệu về mình, chương trình hành động của mình. Sau khi kết thúc phần trình bày chương trình hành động, đại diện MTTQ sẽ mời cử tri có ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. Kết quả của Hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh lập báo cáo ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức, còn có rất nhiều hình thức vận động khác để người dân có thể tiếp cận với ứng cử viên như qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, qua trang web bầu cử của địa phương, hoặc qua hệ thống loa truyền thanh…
Việc vận động bầu cử phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Theo đó, việc vận động bầu cử phải được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tại đơn vị bầu cử nào thì phải vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó; Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Trên thực tế, với sự phát triển và tác động hiệu quả của mạng xã hội, ngoài 2 kênh chính thống, theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người ứng cử còn có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đặc biệt phải tuân thủ theo quy định của Luật An ninh mạng, tránh các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử quy định tại Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND: Cấm lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân; Cấm lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Cấm lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Cấm sử dụng hoặc hứa, tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Chủ động tìm hiểu để lựa chọn người đại diện cho mình
Để có cơ sở cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo đại biểu dân cử cho rằng, cử tri khi được tiếp cận với ứng cử viên theo hình thức nào thì cũng cố gắng tìm hiểu kỹ. Nếu như được tham dự các cuộc vận động bầu cử thì lắng nghe, trao đổi, hỏi lại để làm rõ hơn những nội dung mình quan tâm; nếu qua phương tiện thông tin đại chúng có thể nghe, đọc rồi so sánh giữa các ứng cử viên để từ đó tìm ra người đại diện được cho mình. Cũng có thể tranh thủ mọi phương tiện có thể tiếp cận được với ứng cử viên, có những ứng cử viên nổi tiếng có thể tìm hiểu thông tin trên mạng để hiểu rõ hơn quá trình hoạt động của họ.
Tuy nhiên, ở nhiều cuộc bầu cử trước đây, thông tin về mức độ uy tín, tín nhiệm và quan hệ của ứng cử viên với nhân dân như thế nào? những quy định thuộc tiêu chuẩn ứng cử viên đã thể hiện trong thực tế cuộc sống… mà cử tri mong muốn được biết tường tận còn rất hạn chế, khiến cho việc bỏ phiếu có khi theo trình độ học vấn, có khi thiên về vị trí chức vụ…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Long cho rằng, nếu cử tri phát hiện thông tin liên quan vấn đề uy tín, đạo đức của ứng cử viên, có thể đặt câu hỏi ngay tại hội nghị, nếu có điều kiện, đại diện MTTQ có thể trả lời. Tuy nhiên, trên thực tế, cử tri không chỉ phụ thuộc vào những dòng lý lịch trích ngang, mà người ta hoàn toàn có thể tìm hiểu trên mạng thông tin liên quan đến ứng cử viên họ quan tâm. Trước khi đến vòng vận động bầu cử, đã có 2 hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú của ứng cử viên./.
Thanh Hà/VOV.VN