Theo các nhà nghiên cứu, cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt với ý nghĩa lý luận và chính trị thời đại hết sức sâu sắc, trong bối cảnh quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIV đang được gấp rút triển khai. Do vậy, tác phẩm này sẽ cung cấp rất nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, quan điểm tư tưởng của Tổng Bí thư về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được nhất quán và hoàn thiện qua các tác phẩm đã xuất bản. Đặc biệt, những tác phẩm xuất bản sau ngày càng được bồi đắp và phát triển về tư tưởng theo Nghị quyết 27 về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
“Ở thời điểm này, việc công bố các bài viết, các bài phát biểu, cụ thể là tác phẩm của Tổng Bí thư mang ý nghĩa lý luận và ý nghĩa chính trị thời sự sâu sắc. Đặc biệt, các đặc điểm của Nhà nước pháp quyền, mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam khác với các nước. Với Việt Nam, nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất và có sự phân công rành mạch, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, ông Hiển cho biết.
Cùng chung nhận định này về cuốn sách của Tổng Bí thư, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Thanh Mai nhấn mạnh, cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ra mắt đúng dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
Do vậy, việc nghiên cứu, quán triệt, lan tỏa những nội dung cốt lõi của cuốn sách có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, trong đó không chỉ phát huy các giá trị, quan điểm, tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để huy động, thu hút trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý và xây dựng Văn kiện Đại hội XIV.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Thanh Mai đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung cuốn sách trên các phương tiện thông tin đại chúng để đại biểu Quốc hội, cán bộ, cử tri và nhân dân trong và ngoài nước hiểu được quan điểm, tư tưởng của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ đó, vận dụng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng hệ thống chính trị, sớm hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
“Ngay sau lễ ra mắt cuốn sách, các cấp ủy từ Trung ương tới địa phương cần chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên giới thiệu nội dung cuốn sách, để cán bộ, đảng viên, cử tri cả nước thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, bà Mai nhấn mạnh.
Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyển chọn 95 bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược sâu sắc về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời phản ánh sự quan tâm, sâu sát của Tổng Bí thư trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Là người được trực tiếp tham gia vào quá trình biên tập xuất bản cuốn sách, bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (NXB) nhấn mạnh một số điểm nhấn đặc biệt của cuốn sách. Bà Thinh cho biết, cuốn sách được Quốc hội và NXB thực hiện trong vòng 1 năm.
Để chuẩn bị tư liệu xây dựng cuốn sách, NXB và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức khảo sát tổng thể các bài viết, bài phát biểu, những lược ghi ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
“Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi nhận thấy, không chỉ đến khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội (khoá XI, XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có nhiều bài viết về Quốc hội và vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà ngay từ đầu những năm 1990, Tổng Bí thư đã có những bài viết sâu sắc đăng trên các báo, tạp chí về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội"- bà Thinh cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư thể hiện sự trăn trở, quan tâm sâu sắc đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Trong đó, có những vấn đề cử tri quan tâm như làm thế nào để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Qua cuốn sách, người đọc sẽ thấy vai trò to lớn của Quốc hội cả trong lịch sử lẫn trong giai đoạn hiện nay; thấy những kết quả cụ thể đã đạt được trong hoạt động của Quốc hội và cả những hạn chế bất cập, những yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu trong việc nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động Quốc hội.
Theo đó, Tổng Bí thư không chỉ quan tâm đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn với đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, mà còn quan tâm đến những vấn đề cụ thể và rất quan trọng như những chỉ đạo, định hướng đối với việc sửa đổi Hiến pháp; đổi mới nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn; vấn đề ngoại giao nghị viện; việc phê chuẩn Nghị Định thư gia nhập Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (WTO) sau hơn 11 năm đàm phán... Đây cũng là những dấu ấn của Tổng Bí thư trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
“Một trong những điểm nhấn đặc biệt nữa là trong hầu hết các bài viết của Tổng Bí thư luôn căn dặn các ĐBQH dù ở cương vị công tác nào thì cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, để phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri, tích cực chủ động đóng góp công sức, trí tuệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tôi nghĩ những lời căn dặn đó đối với các ĐBQH thật sự rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, bà Phạm Thị Thinh nói.