Hiệu quả của OCOP đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Sản phẩm OCOP đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể, nhất là đối với các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh và lợi thế riêng. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến việc nhân rộng mô hình sản xuất và phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống theo hướng chuyên sâu, giúp các địa phương hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Đồng thời, chương trình còn phát huy trí tuệ, khả năng sáng tạo, hình thành tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường cho người nông dân.
Việc công nhận sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng và tính truyền thống của sản phẩm, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chương trình, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các sở, ngành, DN và các chủ thể sản xuất kinh doanh, đến nay, toàn tỉnh đã có 50 sản phẩm đặc trưng được gắn từ 3-4 sao và các sản phẩm có tiềm năng OCOP. Trong đó, có 21 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận, 29 sản phẩm đang được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh thẩm định trình UBND tỉnh công nhận.
Nhiều địa phương trong cả nước gắn Chương trình OCOP với phong trào xây dựng nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê. Tuy vậy, chương trình cũng khó tránh khỏi việc nhiều chủ thể tham gia nhưng chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình.
Điều này dễ khiến Chương trình OCOP triển khai như một hình thức, một phong trào làm cho có lệ, mà chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế để phát triển sản phẩm đặc sản. Nhiều sản phẩm chỉ mới chú ý đến hình thức bên ngoài (mẫu mã, bao bì) mà chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm; công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, nguồn vốn cho Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do nguồn lực hỗ trợ Chương trình OCOP chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến việc phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến. Nhiều địa phương vẫn chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm có sẵn nên tính cộng đồng chưa cao, trong khi chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vùng miền để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, còn thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế; một số sản phẩm đặc sản chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản. Đáng buồn hơn, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhưng do hạn chế của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm, sâu sát của địa phương dẫn đến việc phải dừng sản xuất và đưa ra khỏi chương trình.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn và đa dạng hóa các sản phẩm OCOP, các địa phương cần chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường. Trong đó, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại tại các siêu thị, mở kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, kể cả sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia.
Theo Báo Bà Rịa