Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cho rằng, năm 2024, tình hình thế giới dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột Nga - Ukraina còn có thể kéo dài và ngày càng phức tạp, xung đột Israel - Hamas tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế - xã hội tiếp tục phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức rất lớn.
Do đó, các đại biểu cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như báo cáo của Chính phủ; song đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi...
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, đáng chú ý là đề nghị xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1-7-2024.
Chính phủ đã tiết kiệm được hơn 560 nghìn tỷ đồng, đủ để tăng lương từ năm 2024. Ảnh minh họa: VGP |
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp, khi trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin, những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch Covid-19, nhưng Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi và trích lập được hơn 560 nghìn tỷ đồng để tăng lương cho 3 năm 2024-2026 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1-7-2024. Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.
Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. |
Tiếp đó, khi báo cáo về về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ rõ thêm về đề xuất cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách Trung ương các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng hơn 430.000 tỷ đồng. Tổng cộng có 562.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến bảo đảm đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1-7-2024.
Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27; Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở...
Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện cải cách trong dài hạn, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ đánh giá so sánh tổng thể các chính sách cải cách và cân đối nguồn lực trong các giai đoạn từ 2024-2030 bảo đảm khả thi và thực hiện lâu dài.
Theo đó, để bảo đảm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cần bảo đảm tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động; cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo; đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm...
Nguồn QĐND