Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2023.
Là người phát biểu đầu tiên, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022 và những tháng năm 2023, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như báo cáo Chính phủ đã nêu rõ.
Bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm đó là ai?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...” gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bày tỏ đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế này, nhưng theo đại biểu, vấn đề đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, mà đến nay mới xuất hiện, không những thế nó còn lang rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư….
Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị "bệnh" một cách hiệu quả. Đồng nghĩa với việc, cần phân hoá, phân định rõ "bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm" ấy, gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế, để từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả.
Từ thực tiễn phản ánh, ông Trần Quốc Tuấn thấy rằng, hiện nay bên trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy, nó bao gồm 2 nhóm cán bộ:
Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng.
Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm.
“Thay thế ngay vì chúng ta không thiếu cán bộ tốt”
Đối với nhóm thứ nhất, đại biểu cho rằng, có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay trong bất kỳ thời điểm nào, hay ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng đều tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là, đơn vị đó có nhận diện được hay không và xử lý như thế nào.
“Tôi cho rằng, ngay trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như thế này, thì giải pháp cấp thiết, cần phải làm ngay đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt. Giống như trong bóng đá, khi các Huấn luyện viên trưởng, vì sự phát triển của cả đội bóng và vì màu cờ sắc áo, họ sẵn sàng thay người, khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhưng về lâu dài, ngoài Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn… để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, vị đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm. Đây cũng là trở lực lớn nhất, gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.
Theo ông, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật là vì xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là một số văn bản qui định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, điển hình như cùng một nội dung qui định, nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau; hay cùng 1 nội dung công việc, nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết đã chứng kiến bên lề kỳ họp này, 2 vị đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về 1 nội dung của 1 điều khoản luật đang còn hiệu lực, cuộc tranh luận ấy đã làm cho ông hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp. Cho nên không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả cơ quan thanh tra, kiểm tra.
“Và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ. Những bất cập này cũng đã được rất nhiều đại biểu quốc hội phản ánh thẳng thắng ngay trong phiên thảo luận hội trường ngày 29/5/2023 vừa qua” – ông nói.
Nguyên nhân thứ hai, đại biểu cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả, đặc biệt là có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.
Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ những cán bộ này đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự….
Trong số cán bộ đó, chúng ta không loại trừ có những cán bộ tâm huyết, có trách hiệm, nhưng họ không thể triển khai thực hiện công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.
Quy định phải chặt chẽ, thống nhất, dễ thực hiện
Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện ngay.
Bên cạnh đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.
Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vì mục đích vụ lợi, cá nhân, kể cả việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan ban hành văn bản qui phạm pháp luật gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người dân và doanh nghiệp, gây cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia./.
Ngọc Thành/VOV.VN