Ngày 30/5, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, đáng chú ý việc đề xuất cho ba luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thành Tùng cho hay ngày 27/5 vừa qua, Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024.
Nội dung trình theo hướng điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1/8/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc cần sớm triển khai thi hành các luật nêu trên. Qua đó nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội Để bảo đảm chất lượng ban hành luật, cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trong quá trình xây dựng dự án luật tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại bốn luật này và quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm năm tháng, từ đó có phương án xử lý phù hợp.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm chất lượng, có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của các luật…
Cân nhắc kỹ việc điều chỉnh hiệu lực thi hành
Đóng góp ý kiến về nội dung trên, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho biết, nếu như cho các luật có hiệu lực sớm mà các thông tư hướng dẫn chưa xong thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp luật khi luật cũ đã hết hiệu lực nhưng luật mới lại chưa có hướng dẫn.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh do đó đề nghị cân nhắc kỹ việc điều chỉnh hiệu lực thi hành, đặc biệt là với Luật Đất đai.
“Tôi trực tiếp tham gia thẩm tra dự án Luật này và thấy rất khó. Ví dụ như chương về thu hồi đất và chương về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi câu là một chính sách, mỗi câu là một nội dung khác biệt hoàn toàn, cực kỳ khó hướng dẫn. Hiện nay, nhiều nghị định hướng dẫn vẫn chưa được đưa lên trang của cơ quan soạn thảo. Vì vậy thời gian luật có hiệu lực phải tính kỹ”, ông Minh cho biết.
Cùng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai và các luật có liên quan là rất cần thiết và phù hợp với tính cấp thiết hiện nay.
Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bày tỏ băn khoăn khi hiện nay ngoài một nghị định đã được Chính phủ ban hành, vẫn còn tới 15 văn bản (trong đó có 9 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng, 6 thông tư) quy định chi tiết thực hiện Luật Đất đai mới chỉ dự kiến được ban hành trong tháng 6/2024. “Số lượng văn bản trên chỉ dành riêng cho Luật Đất đai”, bà Thúy nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết của các luật phải có hiệu lực đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực. Bà Thúy quan ngại đến việc các cơ quan liên quan chưa đánh giá đầy đủ tác động tiêu cực của việc không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong khi đó, luật mới đã có hiệu lực, luật cũ và các văn bản quy định chi tiết luật cũ hết hiệu lực. Bà Thúy cho rằng cần đánh giá tác động của luật mới tới người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là khi không đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu theo luật mới.
Từ phân tích trên, bà Thúy đề nghị Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc bổ sung dự án luật nói trên vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy trình thủ tục rút gọn và thông qua tại kỳ họp thứ bảy.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ các vấn đề có liên quan và bảo đảm chịu trách nhiệm toàn diện về điều kiện để các luật có thể triển khai thực hiện, không gây ra các tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân”, bà Thúy nói.
Nếu đáp ứng thì Quốc hội sẽ biểu quyết luôn
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gom thành bốn vấn đề chính mà các ĐBQH còn băn khoăn. Đó là phải chứng minh được những lợi ích mang lại khi áp dụng các luật trên sớm hơn; tiến độ chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết, gồm cả văn bản do các bộ, ngành và các văn bản do địa phương ban hành; rà soát kỹ, đặc biệt là điều khoản chuyển tiếp, liệu ngoài bốn luật này thì có còn ảnh hưởng đến các luật khác hay không; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Người đứng đầu ngành tư pháp ghi nhận ý kiến này của các ĐBQH, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp, rà soát rất kỹ và xin QH chấp thuận để đưa vào chương trình.
“Các bộ, ngành và Chính phủ sẽ bắt tay vào soạn thảo ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ cùng nhau rà soát rất kỹ. Nếu bảo đảm chất lượng, chính xác và không gây ra những khó khăn, tôi cho rằng Quốc hội cho phép các luật có hiệu lực sớm hơn sẽ đóng góp rất tốt vào việc phát triển kinh tế - xã hội và gỡ các khó khăn, vướng mắc cho đất nước”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay vừa qua, Thường vụ Quốc hội, các ủy ban thảo luận rất kỹ nội dung này. Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng cũng trực tiếp thảo luận với nhau.
Luật cần phải có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành. Nhưng không phải cả luật đó phải có văn bản chi tiết mới thực hiện được, có nhiều điều trong luật có thể thực hiện được ngay.
“Xin phép Quốc hội cho ghi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Còn Quốc hội cho hay không cho là khi thảo luận nội dung cụ thể các điều khoản này. Nếu đáp ứng thì Quốc hội sẽ biểu quyết, còn không thì thôi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận.
Trước đó, theo hồ sơ tham mưu cho Chính phủ trình QH việc ban hành nghị quyết sửa đổi Điều 252 để Luật Đất đai có hiệu từ ngày 1/7/2024 (sớm hơn sáu tháng so với dự kiến), Bộ TN&MT nêu bật một số lý do cần thiết đẩy sớm hiệu lực của luật.
Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Luật này giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan. Đặc biệt, Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…
Để tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 222 ngày 5/3/2024 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai. Theo đó, Thủ tướng đã phân công các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 29/5, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.
Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 29/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, ba bộ luật liên quan đến đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ giúp giải quyết nhiều tồn tại, yếu kém, hạn chế. Vì vậy, Chính phủ quyết tâm trình Quốc hội cho phép các bộ luật trên sớm có hiệu lực.
Theo Phó Thủ tướng, nếu được Quốc hội cho phép ngày hiệu lực sớm, Chính phủ sẽ quyết tâm làm đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, sẽ có 14 nghị định, khoảng trên 10 thông tư. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có công điện yêu cầu các địa phương xây dựng và các Bộ, ngành cùng tham gia để đảm bảo sự liên thông, thống nhất về pháp luật.