Giá trị truyền thống quý báu
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, với những giá trị, triết lý đạo đức và nhân sinh: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”...
Tư tưởng “Chúng chí thành thành” (ý chí quần chúng làm nên bức thành kiên cố) đã quy tụ sức mạnh người dân, đứng chung chiến lũy đánh đuổi quân thù xâm lược, đứng vững trước thiên tai, cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Thực hiện đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước”.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ đó đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xem đó là "việc gốc rễ" cho mỗi thắng lợi cách mạng, đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Càng trong khó khăn, thử thách, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam càng được khẳng định. Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Càng trong khó khăn, thử thách, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam càng được khẳng định; được bạn bè thế giới ghi nhận, tán dương, bày tỏ sự cảm phục. Ví như, dù số đảng viên không lớn, với khoảng 5.000 đảng viên, trong khi Quân đội vừa mới thành lập, nhưng Đảng ta đã tập hợp quần chúng thành một khối thống nhất vững chắc, nhất tề đứng dậy giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc chiến tranh nhân dân đã đánh bại những thế lực ngoại xâm hùng mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giành độc lập, thống nhất non sông. Bước vào xây dựng xã hội mới, khi đất nước bị bao vây, cấm vận, khủng hoảng... nhưng nhân dân vẫn tin theo Đảng, cùng Đảng tìm tòi đổi mới, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng (năm 1986) xác định cũng chính là kết quả của “ý Đảng, lòng dân”.
Rõ ràng, chỉ khi đứng trước gian khó mới kiểm nghiệm được giá trị to lớn của thực hành đoàn kết. Đó là nguồn sức mạnh nội sinh để dân tộc trường tồn, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.
Vun đắp sức mạnh nội sinh
Đảng ta khẳng định: Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải phản ánh được nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng để có thể tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng cho cách mạng. Bởi thế, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về dân tộc, tôn giáo, về Mặt trận và các đoàn thể nhân dân...
Đặc biệt, ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, xác định mục tiêu: Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng; được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đạt được trên tất cả lĩnh vực là kết quả đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngày 18-11 hằng năm trở thành Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết; giáo dục truyền thống yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội; góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Những kết quả đạt được là vô cùng to lớn, tuy nhiên, những hạn chế, bất cập dù được chỉ ra cách đây 20 năm trước trong Nghị quyết 23, thì đến nay vẫn có mặt chưa khắc phục triệt để. Đặc biệt, lòng tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên và của một bộ phận nhân dân vào Đảng, vào chế độ chưa thật vững chắc, phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, phần vì bất bình trước những bất công xã hội và tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí vẫn diễn ra khá nghiêm trọng; kỷ cương phép nước nhiều lúc, nhiều nơi không nghiêm; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; trật tự, an toàn xã hội còn phức tạp...
Sức mạnh liên minh công, nông, trí chưa được phát huy đúng mức; vai trò của công nhân và nông dân ít được khẳng định trong điều kiện xã hội tri thức, xã hội số; việc phát huy vai trò, đóng góp của kiều bào Việt Nam vào công cuộc đổi mới đất nước vẫn chưa có giải pháp đồng bộ, căn cơ... Đặc biệt, việc xuất hiện những “điểm nóng” ở Tây Nguyên (2001, 2004), Bình Thuận (2018), các vụ việc ở Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nghệ An, hay mới nhất là vụ việc ở Đắk Lắk đều nhằm mưu đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong bối cảnh mới, nhất là sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, thì việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, trên cơ sở thực hiện tốt cả hai vai trò: Vai trò thành viên và vai trò lãnh đạo. Xác lập đúng hơn nữa vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị để bảo đảm cho MTTQ Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách và quy định pháp luật để MTTQ Việt Nam độc lập về tổ chức, chủ động về hoạt động; cơ chế, chính sách bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong mối quan hệ giữa Nhà nước và MTTQ Việt Nam.
Cùng với đó, toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội phải nhất quán vận hành phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, xem đó không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Hướng về cơ sở, tăng cường đối thoại với nhân dân nhằm giải quyết những vướng mắc giữa chính quyền và nhân dân, đồng thời tạo niềm tin, khuyến khích người dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền.
Nguồn QĐND