Chiến công oanh liệt đó đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời đi vào lịch sử thế giới hiện đại như một sự kiện có tầm ảnh hưởng to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Để có được Đại thắng mùa Xuân 1975, dân tộc Việt Nam đã trải qua chặng đường đấu tranh đầy cam go và gian nan, thử thách với những hy sinh, mất mát to lớn; chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bằng bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa giữ nước mang đậm bản sắc Việt. Thắng lợi vĩ đại và vẻ vang đó được hội tụ, kết tinh bởi nhiều nhân tố, trong đó có một số nhân tố nổi bật sau:
1. Cuộc chiến tranh chính nghĩa, thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp, mọi giới, mọi thành phần dân tộc
Trong cuộc chiến này, sức mạnh của nhân dân, của ý chí và lòng yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động, quy tụ, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn để chống lại một đội quân xâm lược nhà nghề có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự vượt trội.
Bằng tư duy khoa học sắc sảo và tinh thần cách mạng tiến công, Đảng đã định ra được chiến lược và sách lược đúng đắn, trên cơ sở đó lãnh đạo toàn quân và toàn dân dám đánh, biết đánh và biết thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính là tính chất “toàn dân và toàn diện”. Trong cuộc chiến này, đế quốc Mỹ và đội quân tay sai không chỉ đương đầu với một đội quân chủ lực của cách mạng, mà đương đầu với cả một dân tộc “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, luôn khát khao độc lập, tự do.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tùy theo tình hình cụ thể của từng giai đoạn, quân và dân Việt Nam đã biết từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn, các chiến lược chiến tranh của địch; biết cách giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 là biểu tượng của tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tự lực, tự cường. Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến, Đảng ta luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ trương tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam-Bắc nhằm mục tiêu chung và bao trùm là chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc.
Để giành chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Đảng ta chủ trương và chỉ đạo tiến hành một cuộc động viên tổng lực trong cả nước, huy động được sức người, sức của ở mức cao nhất.
Niềm vui giải phóng của người dân Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu |
2. Sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả về ý chí và hành động
Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được phát triển lên một tầm cao mới và trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân; sự đoàn kết quân-dân, đoàn kết Bắc-Nam, đoàn kết các lực lượng yêu nước và tiến bộ cả ở trong và ngoài nước.
Trong suốt cuộc kháng chiến này, cả dân tộc vừa thể hiện quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, vừa tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Cả hậu phương lớn miền Bắc ngày đêm đau đáu hướng về miền Nam, dốc sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Quân và dân miền Nam luôn hướng về miền Bắc với niềm tin mãnh liệt vào Đảng, Bác Hồ, vào công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc; luôn coi miền Bắc là chỗ dựa, là đầu não của cách mạng và kháng chiến.
3. Bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam
Đó là một thế trận chiến tranh nhân dân được tổ chức và xây dựng rộng rãi bằng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân kết hợp chặt chẽ với nhau. Thế trận đó được hình thành ở khắp nơi, trên cả 3 vùng chiến lược, thậm chí cả ở sâu trong lòng địch, tạo ra sự liên hoàn trên khắp chiến trường miền Nam, giữa miền Bắc với miền Nam và giữa 3 nước trên bán đảo Đông Dương.
Sự phát triển của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giúp Việt Nam giải quyết thành công những vấn đề cơ bản nhất mà chiến tranh đặt ra, đáp ứng được yêu cầu “lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ thắng lớn”; giành thắng lợi từng bước, buộc địch phải bị động đối phó khắp mọi nơi và đi đến chỗ bị thất bại hoàn toàn.
4. Sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Lịch sử đã gắn kết số phận 3 nước trên bán đảo Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia với nhau trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Xuất phát từ yêu cầu thực tế: “Đông Dương là một chiến trường”, thấu triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là tự giúp mình”, trong quá trình kháng chiến, Đảng và nhân dân Việt Nam không chỉ chăm lo xây đắp và giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó keo sơn với nhân dân các dân tộc Lào và nhân dân Campuchia, mà còn xây dựng và củng cố liên minh chiến đấu vững chắc trên trận tuyến chống kẻ thù chung.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, quan hệ một số nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng như phong trào cộng sản quốc tế có sự rạn nứt. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng ta đã vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước, đặc biệt là với Liên Xô và Trung Quốc; mở rộng tình đoàn kết quốc tế với các nước, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chính vì vậy, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần, góp phần quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam những bài học lịch sử giá trị, trong đó có bài học về huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học đó có sức sống trường tồn, không chỉ có giá trị trong thời chiến mà cả trong thời bình, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nguồn QĐND