“Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Nếu bị bắt, bị tra tấn cực hình, dụ dỗ, mua chuộc tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống, ra chết, quyết không sờn lòng”. Đó là lời thề dưới cờ Đảng của Đại tướng Chu Huy Mân, trong ngày gia nhập Đảng, khi ông mới 17 tuổi.
Sắt son với lời thề thiêng liêng đó, những năm tháng trong lao tù của thực dân Pháp, ông vẫn giữ vững tấm lòng kiên trung của người chiến sĩ cộng sản. Tấm gương của ông để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về sự hy sinh và lẽ sống của người cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay. Đây cũng là nhận định của Tiến sĩ Đặng Kim Oanh, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân.
Đòn roi lao tù không khuất phục được người chiến sĩ công sản
PV: Thưa Tiến sĩ Đặng Kim Oanh, tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, 17 tuổi vào Đảng, 18 tuổi bị thực dân Pháp bắt và tra tấn cực hình. Trong lao tù của thực dân Pháp, người chiến sĩ cộng sản Chu Huy Mân đã thực hiện lời thề trước Đảng như thế nào?
Tiến sĩ Đặng Kim Oanh: Phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 30 - 31 bị địch dìm trong biển máu. Sau đó, các hoạt động đàn áp khủng bố trắng được diễn ra khắp nơi, đặc biệt là ở quê hương của ông Chu Huy Mân, địch đã cho người vào vây bắt.
Sau 2 ngày, bọn địch khủng bố, đàn áp dã man, dùng roi mây ngâm nước mắm phơi nhiều ngày tra tấn, một số người không chịu nổi đã quy thuận. Nhưng ông Chu Huy Mân quyết không khai báo.
Ông được trở về nhà trong một thân hình tiều tụy, nhưng bù lại những đau đớn là ông đã vượt qua được những tra tấn của kẻ thù, giữ trọn lời thề dưới cờ Đảng.
PV: Khi bị địch bắt, không chỉ giữ vững tấm lòng kiên trung, không khai báo trước đòn roi của kẻ thù, ông Chu Huy Mân còn biến nhà tù thành trường học, thành nơi hoạt động cách mạng, nhất là trong thời gian ông bị biệt giam ở Nhà tù Đăk Glei, Kon Tum. Bà có thể cho biết rõ hơn về hoạt động của ông Chu Huy Mân trong khoảng thời gian này?
Tiến sĩ Đặng Kim Oanh: Nhà tù ở Đắk Glei nằm ở thung lũng hẻo lánh. Tháng 5/1941, địch đưa về đây khoảng 100 tù chính trị, trong đó, có Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Tố Hữu và Lê Văn Hiến. Khi về nhà lao này, việc đầu tiên ông Chu Huy Mân cùng với các đồng chí của mình làm là thành lập ra Ban tự quản của tù nhân. Ông Chu Huy Mân phụ trách tài chính và chăm lo ăn uống cho tù nhân.
PV: Và ở đây, ông Chu Huy Mân đã cảm hóa được lính cai ngục, biến họ từ những người làm việc cho thực dân Pháp, trở thành người có cảm tình với cách mạng… Ông Chu Huy Mân đã cảm hóa họ bằng cách nào, thưa bà?
Tiến sĩ Đặng Kim Oanh: Ông Chu Huy Mân và các đồng chí của mình đã nói cho họ biết, những người cộng sản làm những việc đó là vì dân, vì nước và vì cách mạng.
Và có một điểm rất hay là ông Chu Huy Mân cùng các đồng chí trong Ban tự quản của nhà tù đã dành một ít thực phẩm của mình để phụ giúp cho những người lính canh có thêm lương thực, thực phẩm cho người thân của họ.
Cứ thế, ông Chu Huy Mân và các đồng chí đã dần dần cảm hóa họ, những người lính canh thấy được rằng những tù chính trị không nguy hiểm như họ được tuyên truyền, ngược lại rất tốt, rất tình cảm, nhân văn. Dần dần họ có cảm tình, nới lỏng kỷ luật hơn với những người tù chính trị. Có những lính cai bị sai đi bắt tù vượt ngục, họ cố tình chần chừ, để có thời gian cho tù nhân thoát được.
PV: Có thể khẳng định, những ngày tháng trong nhà lao của thực dân Pháp đã cho thấy rõ phẩm chất kiên trung của người chiến sĩ cộng sản Chu Huy Mân?
Tiến sĩ Đặng Kim Oanh: Trong những năm tháng lao tù đế quốc, người chiến sĩ cộng sản Chu Huy Mân đã kiên trung một lòng với Đảng. Bởi dưới cờ Đảng năm 1930, ông đã thề: Nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc, dù bị tra tấn cực hình, dù bị dụ dỗ mua chuộc cũng quyết không khai báo. Dù phải tù đày vẫn không nản chí, vào sống ra chết cũng quyết không sờn lòng. Một lòng một dạ với lời thề ấy, nên dù kẻ thù có dùng mọi thủ đoạn tra tấn cũng không hạ gục được người cộng sản ấy.
Rèn luyện giúp đảng viên không bị hạ gục bởi những "viên đạn bọc đường"
PV: Từ tấm gương kiên trung của Đại tướng Chu Huy Mân, bà suy nghĩ như thế nào về việc rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên hiện nay?
Tiến sĩ Đặng Kim Oanh: Tấm gương của Đại tướng Chu Huy Mân trong lao tù đế quốc không chỉ gan góc, mà ông còn không ngừng học tập, học mọi lúc, mọi nơi. Học văn hóa, học chính trị, học lý luận và trau dồi đạo đức, lối sống, tư cách của một người cách mạng.
Sự rèn luyện ấy rất quan trọng, rất cần thiết đối với mỗi đảng viên hiện nay. Sự rèn luyện ấy sẽ giúp cho mỗi cán bộ đảng viên không nao núng trước mọi khó khăn, không sờn gan, không nản chí trước những cám dỗ của vật chất, những "viên đạn bọc đường" hiện nay.
PV: Nếu như cán bộ, đảng viên đều học tập tấm gương Đại tướng Chu Huy Mân, có lẽ chúng ta sẽ không phải chứng kiến nhiều vụ việc kỷ luật cán bộ như vừa qua?
Tiến sĩ Đặng Kim Oanh: Thật đau xót khi mà nhiều đảng viên kể cả cán bộ cấp cao, cũng có những diễn biến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, coi trọng đồng tiền, không coi trọng nhân phẩm, không trung kiên với Đảng.
Và đặc biệt là họ không thấy được hay cố tình không thấy sự hy sinh của hàng triệu cán bộ, đảng viên, những người đã không thể chứng kiến cách mạng thành công, hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của chúng ta hôm nay.
Cho nên tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất hiện nay của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, đó là sự sự nêu gương, sự kiên quyết đi theo Đảng, vững vàng với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
PV: Xin cảm ơn bà! ./.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội