Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được gần gũi Người trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương của Bác. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác tin tưởng trao cho nhiều trọng trách và luôn hoàn thành xuất sắc. Tháng 12/1944, đồng chí được giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phay Khắt, Nà Ngần, cổ vũ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy cả chín chiến dịch lớn, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất. Điểm nhấn quan trọng, bước ngoặt của chiến dịch này chính là quyết định chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định rất khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau nhiều ngày cân nhắc, suy nghĩ, thể hiện sự cẩn trọng, tư duy quân sự sắc sảo và bản lĩnh của người chỉ huy cao nhất trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng, đảm bảo thắng lợi và tổn thất tối thiểu cho chiến sĩ. Và pháo đài “bất khả chiến bại” của thực dân Pháp đã bị đánh tan. Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 và nhiều tướng lĩnh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt, càng khẳng định tài thao lược xuất chúng của vị Tổng Tư lệnh. “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” luôn là cụm từ được mỗi người dân Việt Nam cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị người đứng đầu Quân đội, Đại tướng đã đề xuất với Bộ Chính trị những quyết sách mang tầm chiến lược. Nếu như chiến dịch Điện Biên Phủ gắn với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thì trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mệnh lệnh của Đại tướng lại là "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Hai quyết định hoàn toàn ngược chiều nhau. Không phải ai cũng ra được những mệnh lệnh như vậy, và cũng không phải mệnh lệnh nào cũng mang tầm vóc vĩ đại như thế. Đó chính là sự xuất thần lịch sử, là khoảng khắc bất tử của thiên tài. Mệnh lệnh của Đại tướng vừa là tiếng kèn xung trận, vừa là kết tinh của một tư duy quân sự thiên tài, góp phần quan trọng vào đại thắng xuân năm 1975.
Đã có biết bao công trình nghiên cứu, bài báo, cuốn sách, cuốn phim viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm say mê, ngưỡng mộ, kính trọng và cảm phục. Trong cuốn Những vị tướng lừng danh, tác giả Duncan Townson đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Zhukov …. những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Currey đã nhận xét về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà còn là một trong những vị tướng tài năng nhất về chiến tranh nhân dân và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại… Nếu Karl von Clausewitz – chiến lược gia quân sự bậc thầy của nước Phổ - sống lại chắc hẳn phải kính cẩn cúi chào vị tướng này”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với đất mẹ yêu thương nhưng những cống hiến to lớn của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng sẽ mãi đọng lại trong ký ức của mỗi người Việt Nam./.
Phan Thị Hoa