Ngày 10/12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế (cũng gọi là Ngày Quốc tế Nhân quyền), được nhiều nước trên thế giới kỷ niệm. Với Việt Nam, Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, pháp luật và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu
Năm 2021, năm thứ hai, Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, đưa tổng số ca mắc Covid-19 lên tới hơn 1,3 triệu người, hơn 27.000 người tử vong, tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 2,52% (tháng 7/2021). Khu vực dịch vụ, nhất là các ngành ngân hàng, du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề; hơn 70.000 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2021. Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền của người dân, nhất là sinh hoạt, đi lại, học tập do phải giãn cách xã hội ở nhiều nơi để phòng chống dịch, song các quyền cơ bản của người dân vẫn được bảo đảm, trong đó có quyền tiếp cận các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, đồ dùng thiết yếu, quyền chăm sóc y tế, giáo dục trực tuyến.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền được sống của người dân; đồng thời thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Chính phủ Việt Nam rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến ngày 8/12/2021, Việt Nam đã tiêm gần 130 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân mặc dù gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung của thế giới, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Chính phủ cũng thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm quyền y tế. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao củ trì để xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị từ đối tác song phương, đa phương. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đã hỗ trợ Việt Nam hàng chục triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Các thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành riêng một Chương gồm 36 Điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật trẻ em 2016, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019…
Chính phủ Việt Nam đã quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã được Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí này. Một số nội dung cần nhấn mạnh trong tuyên truyền về việc ứng cử của Việt Nam:
Việt Nam coi trọng vai trò và những đóng góp của HĐNQ trong việc thúc đẩy thực hiện các quyền con người trên thế giới thời gian qua. Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ, đặc biệt trong giai đoạn là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016. Tại HĐNQ, Việt Nam đề cao và thúc đẩy tinh thần hợp tác, đối thoại, tăng cường hiểu biết để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, bền vững đối với các thách thức về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi.
Việt Nam ủng hộ đối thoại, hợp tác giữa các nước và tại các cơ chế đa phương LHQ về quyền con người nhằm chung sức đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi người dân. Trong quá trình đó, Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách toàn diện, tổng thể trên các lĩnh vực dân sự, chính trị cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển, phù hợp các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung đồng thời tôn trọng các quy định pháp luật liên quan của mỗi nước.
Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày 6/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần./.
Quốc Phong/VOV.VN