Anh Đinh Văn Tây ở xã Ia Klar đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai làm thủ tục nộp thuế. Chỉ mất khoảng 30 phút anh đã hoàn thành xong thủ tục giấy tờ. "Nhân viên ở đây nhiệt tình, nhanh chóng công việc. Thường mình lên một lần xong làm, nếu còn vướng mắc gì họ thông báo mình lên sửa lại còn không thì nhanh lắm" - anh Đinh Văn Tây cho biết.
Theo bà Hồ Thị Hiền, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Đức Cơ, hài lòng, không hài lòng, rất hài lòng là 3 mức để người dân ở Đức Cơ chấm điểm ngay sau khi tương tác với cán bộ. Năm 2022, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của huyện Đức Cơ xếp thứ 5 trong tổng số 17 huyện, thị xã, thành phố.
Bà Hồ Thị Hiền cho biết, sau khi thực hiện các thủ tục hành chính xong sẽ có một bước người dân được cán bộ, công chức hướng dẫn và thực hiện thủ tục hành chính, sau đó cán bộ sẽ phát phiếu đưa cho người dân, xin ý kiến sự phục vụ ở đây. "Nếu hài lòng thì cô chú cho đánh giá, không hài lòng thì các cô các chú đã đánh giá để tiếp tục khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới để phục vụ tốt hơn" - bà Hiền nói.
Cũng nhằm tăng chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đến làm thủ tục hành chính, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đều được niêm yết công khai tại trụ sở và trang điện tử.
Ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Quảng Ninh chỉ đạo đối với chính quyền cơ sở và cấp xã tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Từ niêm yết trụ sở xã, nhà văn hóa đến tuyên truyền trên truyền hình địa phương mỗi tối để những quy định, chính sách của trung ương, địa phương được đến người dân để người dân hiểu và góp ý kiến. Đối với kiến nghị ngược chiều chúng tôi định kỳ hàng tháng đều tiếp xúc, đối thoại và giải quyết đi đến tận cùng vấn đề".
Một số tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công sáng kiến “Dân chấm điểm” đối với 6 chỉ số thành phần: Tinh thần thái độ đón tiếp, hướng dẫn làm thủ tục; thời gian làm thủ tục; thời gian trả hồ sơ đúng hẹn; về chi phí không chính thức và sự hài lòng chung. Chỉ số hài lòng chung từ chỗ chỉ đạt 7 trên thang điểm 9, đã nâng dần lên trên 8 điểm, có địa phương đạt 9 điểm.
TS Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty phân tích thời gian thực, một trong những đơn vị đầu tiên tham gia dự án dân chấm điểm đánh giá việc này tạo cho cả người dân và cán bộ nhà nước thói quen rằng, đây là một tiến trình phản hồi sau khi thực hiện dịch vụ. Đây là một quá trình đương nhiên.
"Tôi nghĩ rằng đấy là một thành quả rất lớn, bởi vì rõ ràng rất nhiều năm gây tâm lý xin - cho không chỉ từ phía cơ quan nhà nước mà từ phía người dân họ chấp nhận điều đấy. Với kênh phản hồi nhanh, phản hồi chính xác, tạo ra môi trường mà người dân có thể phản hồi thoải mái không lo lắng nhưng đồng thời cũng có khả năng kiểm chứng thì tính xây dựng trong việc phản hồi đó cao hơn rất nhiều".
Năm 2022, trung bình chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 địa phương là 80,08%. Theo tính toán của Bộ Nội vụ, chỉ số này trong năm 2023 (sẽ công bố trong quý 2 năm nay), sẽ đạt 87,7 %.
Hà Thảo/VOV1