Rà soát văn bản pháp luật, báo cáo Quốc hội
Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5 của Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tập trung tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực theo yêu cầu, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định không còn phù hợp, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6; trường hợp cần thiết thì đề xuất việc giải thích luật, pháp lệnh để tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng tổ chức rà soát từ sớm, từ xa để đánh giá vướng mắc trong hệ thống pháp luật hiện nay như thế nào.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, rà soát “pháp luật” ở đây có cả luật, nghị định, thông tư và “thậm chí còn có văn bản hành chính, chẳng phải văn bản quy phạm pháp luật” nhưng lại quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật. Qua làm rõ, nếu vướng luật thì trình Quốc hội sửa đổi, nghị định thì của Chính phủ, còn thông tư bộ phải xử lý.
“Chúng tôi đang được giao cùng Ủy ban Pháp luật – cơ quan chủ trì, rà soát xem trong mâu thuẫn, vướng mắc đó có sơ hở, cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không. Câu chuyện này được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm xử lý” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai, kiểm điểm lại công tác thi hành pháp luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4 vừa qua khẳng định chất lượng công tác xây dựng pháp luật ngày càng được thể hiện, hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ.
Ông cho rằng, trong quá trình nền kinh tế chuyển đổi đa dạng thì việc chỗ này, chỗ kia có vướng mắc, bất cập là chuyện bình thường. Vấn đề là khi phát hiện phải có giải pháp xử lý.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, bất cập, những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn đối với các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả rà soát theo tiến độ được giao.
Xử lý chưa tương xứng mức độ vi phạm
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội diễn ra ngày 6/9 vừa qua cũng cho biết, các cơ quan đã tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số quy định trong 7 luật và 130 văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp
Trên cơ sở rà soát, các cơ quan đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để khắc phục.
Như tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) sẽ xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và một số luật về thuế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dẫn chứng cụ thể một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật.
Trong khi đó, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức, chậm xử lý các văn bản phát hiện có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm
Để khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Cùng với đó tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Hiếu Minh/VOV.VN