Giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hướng tới cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc.
Đảng, Nhà nước cũng đã dành nhiều nguồn lực với nhiều chương trình, chính sách đặc biệt ưu tiên để hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giảm nghèo bền vững vùng miền núi đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số về chính sách giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Bản thân người nghèo chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tâm lý tự ti, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Một bộ phận người dân nơi đây không muốn thoát khỏi hộ nghèo, thậm chí có tình trạng “chạy hộ nghèo”, hộ nghèo muốn tách ra thành nhiều hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong thời gian gần đây, tại một số tỉnh miền Trung, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều đảng viên dù cuộc sống còn khó khăn nhưng đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu, thắp sáng ngọn lửa thoát nghèo, truyền cảm hứng cho nhiều người xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự thân vươn lên làm giàu.
"Có những hộ điều kiện rất vất vả, khó khăn nhưng họ giơ tay, viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo". "Thấy trong bản ai cũng nghèo thì mình làm gương cho bà con học hỏi noi theo, có ý thức hơn làm đơn xin thoát nghèo". "Mình làm ăn được thì phải phấn đấu, chứ cứ ỷ lại Nhà nước thì cũng không phát triển được. Trong bản có nhiều hộ, trong nhà chẳng có cái gì mà mình đòi hộ nghèo thì sẽ không công bằng, mình nhường cho hộ khác còn khó khăn hơn".
Đây là những suy nghĩ của các đảng viên miền núi đã tự viết Đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường nguồn hỗ trợ từ các chính sánh sách dành cho hộ nghèo, giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Anh Hồ Văn Rủi (một đảng viên trẻ người Xê Đăng, ở thôn Tak Ngo, xã Trà Linh, huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nay đã là tỷ phú khi sở hữu vườn sâm trị giá hàng chục tỷ đồng. Ít ai biết rằng, chỉ cách đây mấy năm, Hồ Văn Rủi từng đứng đầu danh sách hộ nghèo tại đây. Năm 2018, Hồ Văn Rủi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo với suy nghĩ đảng viên trẻ không cam chịu nghèo khó.
Hồ Văn Rủi cho biết, từ 24 triệu đồng được vay hỗ trợ không lãi suất dành cho các hộ đăng ký thoát nghèo, anh đã mua hàng chục cây sâm Ngọc Linh giống 2 năm tuổi. Đến nay, vườn sâm của mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Cán bộ thôn và Chi bộ đã động viên tôi làm đơn xin thoát nghèo. Giờ thoát nghèo rồi thấy vợ con rất mừng, phấn khởi, mua sắm đủ thứ, làm nhà, mua xe cộ" - anh Rủi chia sẻ.
Một thời chưa xa, đồng bào vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam luẩn quẩn trong đói nghèo. Người dân nơi đây truyền tai nhau câu chuyện về những đảng viên nghèo giờ trở thành tỷ phú trên đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ.
Bà con nể phục khi từ một hộ còn nhiều nghèo khó, năm 2016, đảng viên Hồ Văn Nhỏ (ở thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) đã tiên phong xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đảng viên Hồ Văn Nhỏ cảm thấy vui mừng khi gia đình đã thoát nghèo và có điều kiện giúp đỡ nhiều người trong thôn, bản vươn lên làm giàu.
“Trong làng có 4, 5 hộ, họ thấy mình là đảng viên, gương mẫu phát triển kinh tế nên người dân rất mừng, tin nên làm theo. Tôi cũng huy động bà con cùng nhau nuôi trâu, nuôi bà, trồng quế" - anh Nhỏ nói.
Đảng bộ xã Trà Vân, huyện Nam Trà My xác định mỗi năm giảm từ 5% đến 7% hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, địa phương lập danh sách hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, hướng dẫn người dân đăng ký mô hình trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh cụ thể. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương tiến hành xem xét và hỗ trợ cây giống, con giống và tạo điều kiện sinh kế phù hợp, giúp các hộ dân làm ăn, phát triển kinh tế. Đảng bộ xã kêu gọi mỗi đảng viên nêu gương trong chuyện này. Nhờ đó, 5 năm qua số hộ thoát nghèo tại xã Trà Vân vượt gấp đôi mục tiêu đề ra.
Ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân, huyện Nam Trà My cho biết, xã không còn đảng viên nào trong diện hộ nghèo, ý chí vươn lên thoát nghèo từng bước hình thành trong cách nghĩ của bà con.
“Xã tiếp tục tuyên truyền, đánh giá theo dõi từng hộ có điều kiện, có năng lực thì sẽ giúp đỡ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ cấp cây giống, con giống để các hộ nghèo vượt lên chính mình, tránh sự trông chờ, ỷ lại" - ông Hồ Văn Huyện cho biết.
Nếu như ở miền núi tỉnh Quảng Nam, người viết đơn xin đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ vốn vay, con giống thì ở miền núi tỉnh Quảng Bình, đảng viên viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo khi xét thấy mình đủ điều kiện để nhường lại chính sách hỗ trợ cho hộ khác. Gia đình xin ra khỏi hộ nghèo không còn hưởng các chế độ chính sách hộ nghèo, cũng không được hỗ trợ vốn ưu đãi hay con cây giống như ở Quảng Nam.
3 năm trước, chuyện vợ chồng đảng viên người dân tộc Vân Kiều Hồ Thị Thanh và Cao Lâm ở bản Hưng, xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo khiến nhiều người ngạc nhiên.
Vào thời điểm đó, ở xã biên giới đặc biệt khó khăn này, đa phần người dân là hộ nghèo, đời sống phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước. Chuyện làm giàu của đồng bào nơi đây như là giấc mơ. Vậy mà, gia đình đảng viên Hồ Thị Thanh nhờ chăn nuôi bò đàn và khai hoang trồng rừng, trồng cây ăn quả đã thoát khỏi nghèo khó. Khi thấy gia đình bớt khó khăn, bà Hồ Thị Thanh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Bà Thanh cho biết, lúc đó cuộc sống cũng chưa khá giả, nhưng thấy bà con trong thôn, bản còn khó khăn hơn, gia đình làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường nguồn hỗ trợ hộ nghèo cho người khác.
“Gia đình 2 vợ chồng là đảng viên nên làm gương để cho người dân học hỏi noi theo. Cán bộ thôn, bản họ nói bà con cũng nên học hỏi gia đình của Cao Lâm và đồng chí Thanh. Vì ai cũng hộ nghèo mà gia đình họ làm gương cho cả bản" - bà Thanh cho biết.
Trước khi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, gia đình bà Hồ Thị Thanh từng chật vật hơn 10 năm trong diện hộ nghèo, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Được Nhà nước cho vay 5 triệu đồng không lãi suất, gia đình bà Thanh mua bò giống và 4 con lợn về chăn nuôi, gây đàn. Từ 1 con bò giống và vài con lợn ban đầu, lấy ngắn nuôi dài, bây giờ gia đình bà Thanh trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi của xã, của huyện Minh Hóa.
Tỉnh Quảng Bình có hơn 27.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 69% trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 và mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% - 4%.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là áp lực rất lớn đối với địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Chuyện những đảng viên người dân tộc thiểu số tự lực vươn lên, viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã thắp sáng ngọn lửa thoát nghèo của người dân địa phương.
"Đây là những tấm gương điển hình ngày càng được nhân rộng. Phong trào giảm nghèo ở tỉnh Quảng Bình bắt đầu đi vào những giai đoạn rất quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ cận nghèo cũng giảm rất nhanh" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay.
Theo Nghị định 07 năm 2021 về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách như: hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh; miễn học phí cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng; hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và được vay vốn lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.
Điều đáng mừng là nhiều người dù cuộc sống còn khó khăn đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, nhường nguồn hỗ trợ cho người khác, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đó là những tấm gương sáng, xứng đáng được tôn vinh. Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo là tự nguyện, nhưng nếu làm không khéo dễ dẫn đến bệnh thành tích của các địa phương. Làm sao để khuyến khích đảng viên, người dân thoát nghèo bền vững, phóng viên VOV sẽ trở lại vấn đề này trong phần sau của loạt bài./.
Nhóm PV/VOV-Miền Trung