Đổi thay nhờ chuối Mật mốc
Với tổng diện tích lên đến trên 3.500ha, từ lâu huyện vùng biên Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được xem như là “thủ phủ” của cây chuối Mật mốc miền Trung. Chuối Mật mốc là loại cây dễ trồng, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của người dân địa phương. Sản phẩm chuối quả ở đây chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… và một phần tiêu thụ nội địa. Sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa đã trở thành thương hiệu mạnh, nổi tiếng, có thế sánh ngang với bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), thanh long (Bình Thuận)…
“Sở dĩ chuối mật mốc Hướng Hóa được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng bởi ngoài hình thức trái to, đều, màu sắc đẹp do đặc thù của khí hậu khô nóng nơi vùng biên giới Việt - Lào, thì điều đặc biệt hơn cả chính là vì phương thức canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng bất kì loại thuốc bảo vệ thực vật nào của người dân nơi đây khiến sản phẩm chuối được ưa thích”, ông Võ Hoành,một nông dân trồng chuối ở thôn Long Giang, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa khẳng định.
Người dân thu hoạch chuối. Ảnh: Nông nghiệp
Tại huyện Hướng Hóa, cây chuối Mật mốc phát triển mạnh ở xã dọc vùng Lìa và một số xã dọc đường 9 như Tân Long, Tân Thành, Tân Lập... giáp biên giới Việt – Lào. Cây chuối mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trên địa bàn huyện. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích đất bạc màu, kém hiệu quả sang trồng chuối, đặc biệt hình thức hợp tác thuê đất của người dân nước bạn Lào mở rộng diện tích sản xuất đang cho thấy hiệu quả cao.
Ông Pả Hiền, người dân tộc Bru - Vân Kiều trú bản Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa nói rằng, so với các loại cây trồng khác, hiện nay trồng chuối Mật mốc cho thu nhập cao nhất. “Những năm gần đây, giá chuối quả dao động từ 6.000- 8.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 15 tấn mỗi héc-ta, cây chuối có thể mang về thu nhập cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra lá, thân chuối còn được tận dụng để bán lại cho người mua gói bánh hoặc tận thu làm thức ăn chăn nuôi. Thu nhập của gia đình tôi vài năm trở lại đây đều trồng chờ vào cây chuối này”, ông Pả Hiền cho hay.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và triển bền vững cây chuối Mật mốc, các cấp chính quyền huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có những chủ trương, chính sách hợp lý nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất. Hội Nông dân huyện Hướng Hóa đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 (tháng 8/2018). Một số xã trong huyện đã có chủ trương liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác nhằm tìm đầu ra ổn định cho cây trồng chủ lực này. Đồng thời khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chuối Mật mốc.
Cà phê Khe Sanh vươn xa
Huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê Arabica chủ yếu của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung với khoảng 5.000 ha. Đây cũng là địa phương sở hữu thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng.
Trước đây, đã có thời điểm việc chăm sóc, chế biến cà phê không đảm bảo kỹ thuật, nông dân đã không bón phân cho cà phê đúng tiêu chuẩn, định lượng, khi thu hoạch thì mạnh ai nấy làm, khiến tình trạng thu hoạch không đảm bảo tỷ lệ quả chín, trộn tạp chất để tăng trọng lượng…Do vậy, chất lượng cà phê từ vùng Khe Sanh bị đánh giá thấp, dẫn đến thương hiệu cà phê Khe Sanh bị ảnh hưởng.
Để cải thiện tình trạng trên, với sự hỗ trợ từ Viện Mê Kông, Hội Cà phê Khe Sanh đã ra đời với 27 thành viên tham gia đầy đủ với nhiều thành phần như: Các nhà máy, cơ sở kinh doanh, chế biến cà phê, nhóm trưởng nhóm nông dân các thôn, bản, các hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn…
Ngay sau khi thành lập, hội đã kết hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan ban hành quy chế thu hái cà phê với tiêu chuẩn như: Tỷ lệ quả chín phải từ 95%, không ngâm nước, không được trộn tạp chất, giúp người dân thay đổi tập quán thu hái, để nâng cao giá bán, giảm chi phí trong quá trình chế biến cho các doanh nghiệp.
Ông Hồ Văn Kài, Chủ tịch Hội Cà phê Khe Sanh cho biết: Hội ra đời là cơ hội tốt để thực hiện hiệu quả các hoạt động trong chuỗi giá trị cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế. Về lâu dài, sẽ nâng cao nhận thức và hành động vì lợi ích của các hội viên và cộng đồng, hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nhau phát triển thị trường cà phê.
Cây cà phê là nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân huyện Hướng Hóa. Ảnh: Nông nghiệp
“Hội cà phê Khe Sanh ra đời sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án góp phần giúp nông dân và doanh nghiệp tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời là tiền đề để xây dựng thương hiệu uy tín và bền vững cho cây cà phê Khe Sanh trên thị trường quốc tế”, ông Kài nhấn mạnh.
Ông Hồ Vương, Giám đốc Công ty TNHH Vương Thái, một trong những doanh nghiệp cà phê hàng đầu ở huyện Hướng Hóa cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng, giá bán cho cà phê, tiến tới xây dựng thương hiệu bền vững cho cây cà phê Khe Sanh thì ngoài khâu trồng, chăm sóc phải đảm bảo yêu cầu khoa học kỹ thuật, quá trình thu hái và bảo quản, chế biến cũng có vị trí hết sức quan trọng. Cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nông dân lẫn doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mối liên kết “4 nhà” một cách chặt chẽ, thực chất. Trong đó, điều cần làm ngay là doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mối liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sạch, bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu cà phê Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị đang triển khai đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê tại 10 xã trồng cà phê chủ lực của huyện Hướng Hóa. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tái canh, trồng mới khoảng 1.900 ha để thay thế diện tích cà phê già cỗi. Bình quân mỗi năm tái canh 200 ha, phấn đấu đến năm 2020 đưa năng suất cà phê Arabica đạt bình quân 14 - 16 tấn quả tươi/ha, đưa sản lượng bình quân sau khi tái canh đạt 9.000 -10.000 tấn nhân/năm./.
PV tổng hợp