Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ và hơn 10 năm ngày ông Năm Công(tên gọi thân mật của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công) đi xa nhưng hình ảnh người lãnh đạo giản dị, gần gũi, hết mình vì nhân dân vẫn in đậm trong lòng quân và dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa.
Trở lại Khu di tích Nước Oa, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam những ngày đầu tháng 8, nơi Khu ủy V đóng chân trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, còn lưu giữ nhiều hình ảnh thân quen của Bí thư Khu ủy Khu V – Võ Chí Công.
Trong căn nhà gỗ đơn sơ, nơi làm việc của ông Năm Công, bên cạnh bàn làm việc, ngoài khẩu súng, tấm bản đồ là cây gậy và chiếc cuốc…, những kỷ vật gắn bó với đồng chí Võ Chí Công trong suốt năm tháng sống và làm việc tại đây.
Ông Hoàng Châu Sinh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, từng có thời gian sống và làm việc dưới sự lãnh đạo của Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công nhớ lại, ngoài thời gian làm việc, ông Năm Công luôn tham gia lao động sản xuất. Đặc biệt, ông Sinh ngưỡng mộ tầm nhìn xa rộng, nhân ái của người lãnh đạo đứng đầu Khu V thời bấy giờ.
“Bác gần gũi với cán bộ cấp dưới, quan tâm đời sống cán bộ, chiến sỹ. Thời điểm khó khăn về lương thực, bác Năm Công chỉ đạo quyết liệt, cụ thể phải lo cho đời sống của anh em, cùng đồng cam cộng khổ với anh em, bữa ăn của bác cũng rất bình dị. Bác thường tham gia cùng chăm sóc vườn rau cải thiện của anh em”, ông Sinh kể lại.
Khi tuổi đã cao và không còn giữ cương vị lãnh đạo đất nước, ông Năm Công vẫn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với cuộc sống người dân vùng chiến khu xưa. Ông Võ Như Thông, nguyên cán bộ Tuyên giáo Khu V nhớ lại những ngày cuối năm 1999, khi về thăm cán bộ, nhân dân huyện Trà My (thời điểm chưa chia tách thành 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My như hiện nay), ông Năm Công luôn đau đáu nghĩ về cái ăn, cái mặc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi chiến khu xưa.
Dấu ấn của đồng chí Võ Chí Công sau ngày đất nước thống nhất là những cải cách mang tính đột phát về nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam, ông luôn sâu sát cơ sở, trực tiếp tìm hiểu thực tiễn khó khăn, từ đó tháo gỡ những cơ chế “trói buộc” nông dân.
Theo ông Bùi Văn Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, thời điểm năm 1981, đông đảo những nông dân chân lấm tay bùn, luôn khắc ghi công lao của ông Võ Chí Công về chủ trương đổi mới trong nông nghiệp, đưa ruộng đất thực sự về tay nông dân qua chủ trương khoán ruộng đất đến nông dân, còn gọi là khoán 100 vào năm 1981.
“Bác Năm Công luôn luôn nghĩ đến nông dân, có nhiều chủ trương sáng tạo từ chuyển đổi từ thời bao cấp sang khoán 10 rồi Chỉ thị 100 (tháng 1/1981, về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động), rồi đến Nghị định 64 tức là giao quyền sử dụng đất. Nông dân đồng tình ủng hộ những chủ trương này vì khi đó nông dân mới thấy rõ trách nhiệm của mình trên mảnh ruộng, nên năng suất tăng gấp 5 lần”, ông Minh kể.
Dấu chân của đồng chí Võ Chí Công in đậm khắp các miền quê xứ Quảng. Đó là hình ảnh người chiến sỹ cách mạng bền bỉ bám cơ sở, xây dựng phong trào, ở đâu cũng được nhân dân yêu mến, che chở. Mảnh đất Quảng Nam chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh giờ đã có nhiều đổi thay, từ miền núi, nông thôn đến đô thị. Những thành quả đó có đóng góp không nhỏ của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, người mà các thế hệ người dân Quảng Nam vẫn gọi bằng cái tên gần gũi, bác Năm Công./.
Long Phi/VOV-Miền Trung