Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 12-10. Ảnh: DUY LINH.
Công tác lãnh đạo và chuẩn bị đại hội
Quá trình chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Trung ương, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị 35, Chỉ thị 45-CT/TW, Kết luận 75-KL/TW và các quy định hướng dẫn. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có ba bài viết quan trọng về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là về chuẩn bị văn kiện và nhân sự. Ban Bí thư tổ chức 12 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị tại các đảng bộ trực thuộc T.Ư. Bộ Chính trị xây dựng kế hoạch làm việc với toàn bộ 67 đảng bộ trực thuộc T.Ư để chỉ đạo, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ; phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự, theo dõi và chỉ đạo đại hội đảng bộ trực thuộc T.Ư. Các ban đảng, cơ quan ở T.Ư tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội. Cấp ủy trực thuộc T.Ư đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản để triển khai, thực hiện việc chuẩn bị đại hội.
Dự thảo các văn kiện tại các đảng bộ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi trọng tổng kết thực tiễn; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tranh thủ được nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, góp ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự đại hội. Điểm mới trong các dự thảo văn kiện nhiệm kỳ này là các đảng bộ đã tập trung làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chú trọng nhiều hơn công tác xây dựng Đảng; lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Về nhân sự, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm từng bước đổi mới các khâu trong công tác cán bộ; coi trọng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý sai sót, vi phạm, nhất là những nơi còn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội. Đề án nhân sự chuẩn bị bảo đảm số lượng ban chấp hành, giảm khoảng 5% so với nhiệm kỳ trước; tiêu chuẩn phù hợp với quy định chung; số dư từ 10 đến 15%; bảo đảm cơ cấu; các tỷ lệ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số và đổi mới cơ bản theo quy định.
Công tác tuyên truyền được tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; coi trọng, đổi mới trong thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau đại hội. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội được triển khai nghiêm túc với phương châm an toàn, tiết kiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19.
Chất lượng văn kiện và nhân sự cùng được nâng lên
Theo tổng hợp, đến hết ngày 29-10, toàn bộ 67 đảng bộ đã hoàn thành đại hội theo đúng tiến độ, yêu cầu của Chỉ thị 35-CT/TW. Tổng hợp từ 1.400 ý kiến phát biểu, tham luận tại đại hội, ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết; tập trung thảo luận về các quan điểm mới, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn, chỉ tiêu phấn đấu và những vấn đề mới, khó, những nhiệm vụ mang tính đột phá.
Về công tác bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng với kết quả bầu cử số lượng ban chấp hành, ban thường vụ giảm theo quy định. Tổng hợp từ Ban Tổ chức T.Ư cho thấy: Tổng số cấp ủy viên khóa mới đã được bầu là 3.330 đồng chí, giảm 6,20% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020, vượt quy định tại Chỉ thị 35. Tổng số ủy viên ban thường vụ bầu được là 953 đồng chí, giảm 2,56% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tổng số bí thư cấp ủy bầu được là 65 đồng chí, trong đó, tham gia lần đầu là 23 đồng chí, đạt tỷ lệ 35,38%, cao hơn nhiệm kỳ trước là 1,54%. Tổng số phó bí thư cấp ủy bầu được là 142 đồng chí, giảm 10,69% so với số lượng được bầu của nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhưng vẫn bảo đảm cơ cấu, chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước.
Điều đáng ghi nhận về cơ cấu nữ: Cấp ủy nữ là 523 đồng chí (15,71%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%; có 34 đảng bộ đạt tỷ lệ từ 15% trở lên. Ủy viên ban thường vụ nữ là 123 đồng chí, đạt tỷ lệ 12,91%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,37%; có 20 đảng bộ đạt tỷ lệ từ 15% trở lên, trong đó, cao nhất là Bình Phước (40%). Bí thư cấp ủy nữ là chín đồng chí (nhiệm kỳ trước là ba đồng chí). Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số (DTTS) là 389 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%. Ủy viên ban thường vụ người DTTS là 113 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,86%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%. Bí thư cấp ủy người DTTS là sáu đồng chí, đạt tỷ lệ 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%. Về trình độ, cấp ủy viên có trình độ thạc sĩ trở lên là 2.220 đồng chí, đạt 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,17%. Ban thường vụ có trình độ thạc sĩ trở lên 613 đồng chí đạt 64,32%, cao hơn nhiệm kỳ trước 19,23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sĩ trở lên 51 đồng chí, đạt 78,46%, cao hơn nhiệm kỳ trước 13,85%. Phó Bí thư có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 98 đồng chí, đạt 69,01%, cao hơn nhiệm kỳ trước 20,59%. Về độ tuổi: Tuổi bình quân của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đều thấp hơn so với nhiệm kỳ trước và cơ bản bảo đảm ba độ tuổi trong cấp ủy. Có 28 đồng chí bí thư từ 50 tuổi trở xuống, đạt tỷ lệ 43,08%. Có 27 đồng chí bí thư không là người địa phương, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%...
Theo đánh giá, đại hội đảng bộ trực thuộc T.Ư đã được tổ chức thành công tốt đẹp theo đúng tiến độ, sớm hơn so với ba nhiệm kỳ gần đây, bảo đảm đúng quy định, chất lượng theo yêu cầu. Công tác chuẩn bị văn kiện được tiến hành công phu, kỹ lưỡng; chất lượng văn kiện được nâng lên, nhất là việc xác định tầm nhìn và các nhiệm vụ đột phá. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, bám sát thực tế. Các đại hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận văn kiện, không khí ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên. Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch nên nhận được sự thống nhất cao, ít đơn thư khiếu kiện hơn so với các nhiệm kỳ trước đây. Kết quả bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, trúng theo đề án nhân sự. Tỷ lệ phiếu trúng cử các chức danh chủ chốt cao, nhiều đồng chí đạt 100%. Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt. Số lượng bí thư cấp ủy là nữ, bí thư không phải là người địa phương tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước.
Kết quả và những bài học kinh nghiệm ý nghĩa
Về nguyên nhân kết quả đạt được, cần khẳng định trước hết có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, chặt chẽ, nhất quán của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư. Có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự chủ động, tích cực của cấp ủy, thường vụ cấp ủy, trong chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội. Hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đại hội được ban hành kịp thời, đồng bộ, cụ thể, phù hợp, sát thực tế; nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành tiêu chuẩn về đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng đã góp phần quan trọng trong việc lựa chọn, bầu cử và nâng cao chất lượng đại biểu dự Đại hội. Đồng thời, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa các văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền. Quy trình bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội có nhiều đổi mới sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Tình hình kinh tế - xã hội ổn định; dịch bệnh được kiểm soát tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; sự đồng thuận của xã hội là nền tảng quan trọng góp phần cho thành công đại hội đảng các cấp…
Đánh giá về những mặt cần rút kinh nghiệm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình cho rằng, qua rút kinh nghiệm từ các đại hội cho thấy nội dung, chương trình làm việc của một số ít đại hội chưa khoa học; Báo cáo chính trị còn dàn trải. Báo cáo kiểm điểm có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị. Công tác chuẩn bị nhân sự để báo cáo cấp có thẩm quyền có nơi còn chậm. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành đảng bộ chưa đạt yêu cầu tại Chỉ thị 35... Về nguyên nhân, cơ bản do một số cấp ủy chuẩn bị văn kiện, phương hướng nhân sự, nhất là cán bộ trẻ còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn. Tại một số nơi, công tác chuẩn bị nguồn nhân sự cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn một số người không có năng lực thật sự nổi bật. Việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy thiếu sâu sát, quyết liệt; chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng và giải quyết những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị.
Theo tổng hợp của các cấp ủy và Ban Tổ chức T.Ư từ các đại hội cho thấy: Trước hết, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội. Bảo đảm dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; dân chủ nhưng phải tập trung, thống nhất, dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, dân chủ nhưng phải có lãnh đạo. Cấp ủy triệu tập đại hội cần nêu cao tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, có kế thừa, tham khảo những kinh nghiệm quý, bài học hay của các nhiệm kỳ trước và bổ sung những điểm đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của nhiệm kỳ này. Báo cáo chính trị phải làm rõ được công tác và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành phải bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc, tránh trùng lặp nội dung với báo cáo chính trị. Đồng thời phải nắm vững và kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn trước khi đại hội diễn ra; nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận liên quan đến nhân sự trước, trong và sau đại hội để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, bất cập. Công tác nhân sự đại hội, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình năm bước, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc. Cần chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Vừa tổ chức tốt đại hội vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ quan, đơn vị …
Nhìn một cách tổng thể, có thể khẳng định, đại hội các đảng bộ trực thuộc trung ương thật sự là sự kiện chính trị quan trọng của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đã tạo được khí thế mới, vận hội mới và nội bộ đoàn kết hơn, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây cũng là bước chuẩn bị rất quan trọng, tiền đề để tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển trong giai đoạn mới.