Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016 và chỉ còn một kỳ họp sẽ kết thúc nhiệm kỳ. Trong 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, để đánh giá một cách khái quát nhất thì nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.
“Khiêm tốn mấy thì chúng ta cũng có thể đánh giá được. Rất trọn vẹn qua 11 kỳ họp và hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp. Thậm chí có những lúc phải họp đột xuất để giải quyết những yêu cầu đột xuất để bảo đảm sự vận hành của Nhà nước, của đất nước không bị ách tắc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng là một nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, bảo đảm dân chủ trong kỷ cương theo quy định Hiến pháp và pháp luật. Điều đó thể hiện ở mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận, tạo không khí hội trường rất cởi mở. Phản biện của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, những ý kiến phân tích rất sâu sắc đáp ứng được sự mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. “Đó là hơi thở cuộc sống mà chúng ta bắt gặp trong những lần tiếp xúc cử tri trong hoạt động thường xuyên của các cơ quan của Quốc hội”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV còn là một nhiệm kỳ có sự đổi mới, tạo ra những dấu ấn, điển hình như việc tổ chức hai kỳ họp kết hợp giữa họp tập trung và họp trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bảo đảm chất lượng, và nhận được sự hưởng ứng của đa số đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ này cũng ghi dấu việc các cơ quan của Quốc hội càng ngày công việc càng chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Điều này nâng cao vị thế, quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
“Phản biện sâu sắc, chọn đúng và trúng vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Chọn đúng những điểm mà đất nước cần tháo gỡ để phát triển đi lên. Đó là những thành tựu, những dấu ấn mà chúng ta phải đánh giá sâu sắc để lại những bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới và phát triển hơn. Đất nước phát triển như hôm nay, trong đó có đóng góp rất lớn của cơ quan dân cử nói chung và Quốc hội khoá XIV nói riêng”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, hoạt động của Quốc hội khoá XIV có thể gói gọn với hai chữ “Thành công” – là mục đích vươn tới của mỗi tổ chức, cá nhân. Hay nói cách khác, Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri và nhân dân giao phó.
Dẫn chứng hàng loạt điều ước quốc tế được ký kết, phê chuẩn trong nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, với sự chuẩn bị công phu, nhiều hiệp ước rất quan trọng mang tính tạo đà cho đất nước phát triển hơn, hội nhập nhanh hơn, hiệu quả và chất lượng hơn trong thời gian tới như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ngoài những hoạt động song phương để lại ấn tượng sâu sắc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, hoạt động đa phương cũng mang dấu ấn lịch sử, tiêu biểu như tổ chức IPU khu vực về chuyên đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; năm AIPA với kỳ Đại hội đồng trực tuyến lần đầu tiên khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện mọi mặt song hoàn thành mọi công việc đề ra, để lại ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó Việt Nam còn đảm trách thành công nhiều vị trí khác.
Đồng quan điểm cho rằng Quốc hội khoá XIV thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông Trần Văn Tuý – Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh hoạt động toàn diện của Quốc hội đã góp phần vào thành công chung của đất nước như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.
Thông điệp ngay từ đầu nhiệm kỳ được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân truyền tải là chuyển hoạt động nghị trường từ tham luận là chủ yếu sang thảo luận, tranh luận thể hiện rõ nét, các kỳ họp luôn có không khí thảo luận tích cực, sâu sắc. Trước đây cứ nói Quốc hội, các đoàn thể là “bánh xe thứ 5” nhưng bây giờ là động lực, động cơ. Nhiều vấn đề vướng mắc được xử lý một cách chủ động, cả về vĩ mô cũng như công việc của từng địa phương. Nội hàm hoạt động ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban luôn có đổi mới phong phú, góp phần nâng cao vị thế Quốc hội trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
“Hoạt động hiệu quả của Quốc hội tạo sự tin tưởng và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Hy vọng nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục phát huy và hoạt động thành công hơn nữa” – ông Trần Văn Tuý bày tỏ.
Nhiệm kỳ qua, Quốc hội chú trọng và tiến hành giám sát trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm, với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát, bảo đảm việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hiệu quả hơn.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không chỉ là “thước đo” hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ mà còn là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy, cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhiệm kỳ khoá XIV có những cách làm mới như Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách, góp phần chống được hiện tượng xin – cho, phát huy được sự giám sát của đại biểu, cử tri và nhân dân.
“Những quyết định như xây dựng sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc phía Nam, dừng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hay ra được Nghị quyết về tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ... là những quyết sách lớn, tạo đột phá cho dài hạn” – ông Uông Chu Lưu dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh Quốc hội đã đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần chủ động, linh hoạt, dân chủ, trí tuệ, xây dựng và trách nhiệm cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp Quốc hội lần đầu tiên họp trực tuyến, tổ chức hội nghị quốc tế mà vẫn đạt mục tiêu, hiệu quả như mong muốn, đảm bảo tiết kiệm. Đây là kinh nghiệm xây dựng Quốc hội điện tử tới đây.
Bên cạnh những điểm đổi mới, dấu ấn thành công, Quốc hội khóa XIV cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động lập pháp còn những hạn chế nhất định. Tính dự báo trong việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, Chương trình còn phải điều chỉnh nhiều. Việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn các phương án đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…
Với hoạt động giám sát, hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa cao; một số nội dung giám sát còn chủ yếu dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; hoạt động giám sát, khảo sát có thời điểm còn tập trung tại một số địa phương.
Trong nhiệm kỳ qua cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: một số vấn đề mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ, thấu đáo; khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ông vẫn cảm thấy còn “nợ dân”. Trong đó, điều đại biểu băn khoăn lớn nhất là nông nghiệp vẫn “được mùa mất giá”, được sản phẩm này lại mất sản phẩm kia. Là đại biểu ứng cử ở khu vực ĐBSCL, cụ thể là An Giang, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá cơ sở hạ tầng còn tụt hậu, quá tải và dù đã được quan tâm song vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng.
Nêu kiến nghị trước khi kết thúc nhiệm vụ sắp tới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại mong muốn nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được chuẩn bị kỳ công đã được phê chuẩn, triển khai tốt các đề án hội nhập của Đảng thì khoá mới cần tập trung quan tâm giám sát Chính phủ triển khai, khai thác hiệu quả để người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thành quả.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cũng còn những điều trăn trở. Đó là vấn đề xử lý chất thải, rác thải chưa đảm bảo; an ninh nguồn nước vẫn còn là thách thức nếu không kịp thời được quan tâm, có chiến lược; GDP tăng trưởng nhưng mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa tốt dẫn đến sự chuyển giao công nghệ, nội địa hoá còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhấn mạnh, hoạt động giám sát vẫn thiên về xem xét các báo cáo mà chưa dành nhiều thời gian đi thực tế cơ sở để “lật đi lật lại, giám sát tận cùng, hậu giám sát” để đúng và sát với tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của từng chủ thể, nâng cao hiệu lực của giám sát.
Từ thực tế hoạt động của Quốc hội vừa qua, đề cập bài học kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh phải dựa vào dân, đại biểu gắn bó mật thiết với cử tri, với nhân dân. Bởi nếu không dựa vào dân, không lấy dân làm trung tâm, dân làm gốc thì hoạt động Quốc hội không mang lại hiệu quả, niềm tin, uy tín với nhân dân như thời gian qua.
Có thể nói, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao phó. Tuy còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, nhưng hoạt động của Quốc hội đã luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước./.