Cách đây hàng chục năm, khi vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, một số chuyên gia nước ngoài đã phải lắc đầu bất lực. Và Đồng Tháp Mười có lẽ sẽ mãi là vùng đất phèn hoang hóa nếu như không có dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng. Những quyết sách đầy táo bạo, thực tiễn, hợp lòng dân đã đưa vùng đất hoang, phèn chua trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước, một khu vực kinh tế sầm uất đầy năng động.
Quyết định táo bạo, hợp lòng dân
Từ thời chủ nghĩa thực dân những năm 1950, ngoài việc xâm chiếm những vùng miền ở Đông Dương, thực dân Pháp đã thể hiện tham vọng chinh phục vùng trũng phèn Đồng Tháp Mười ở biên giới Tây Nam Việt Nam. Tuy nhiên ý định này đã thất bại. Cách đây vài chục năm, khi vào Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, một số chuyên gia nước ngoài cũng ngao ngán. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhằm đưa vùng đất này phát triển, lãnh đạo Trung ương và địa phương quyết tâm tìm biện pháp chinh phục Đồng Tháp Mười để thực hiện nguyện vọng của người dân được bám trụ sinh sống, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mai Thành Phụng, người đã dành phần lớn tuổi thanh xuân của mình để cống hiến nhiệm vụ khuyến nông ở Đồng Tháp Mười cũng như từng tham gia các đoàn công tác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, kể lại: cuối những năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo ba tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp để bàn về biện pháp khai thác có hiệu quả vùng đất này.
Năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang Đồng Tháp Mười cũng chính thức bắt đầu. Kể từ khi triển khai, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây, cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao. Người dân Đồng Tháp Mười rất phấn khởi, bởi chỉ một năm sau, năm 1984, kênh Trung ương được đưa vào hoạt động.
Đó là tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km nằm ở khu vực gần biên giới Campuchia của hai tỉnh Đồng Tháp và Long An. Sở dĩ người dân gọi là kênh Trung ương vì con kênh này do Trung ương chỉ đạo đào để cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất... Cứ thế, nước đi tới đâu là dân đổ về khai hoang lập nghiệp tới đó.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mai Thành Phụng nói, dấu ấn lớn nhất là quyết định táo bạo của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đó là quyết định rất hợp lòng dân, mở kênh thủy lợi khai phá Đồng Tháp Mười, cùng những chính sách đầu tư khác cho nông nghiệp phát triển. Đột phá nhất là đã bỏ bao cấp, giao quyền tự chủ cho người nông dân, từ đó đẩy mạnh nguồn lực khuyến nông, giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật một cách nhanh chóng.
Từ một vùng “đất chết”, ngập úng, bạt ngàn lau sậy năm nào, đến năm 1987, Đồng Tháp Mười đã trồng được trên 300.000ha lúa. Năm 1996 vượt lên hơn gấp đôi. Hiện nay, chính nơi đây góp phần rất lớn vào việc cung cấp lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phục vụ xuất khẩu.
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đến nay, chúng ta đã có đủ cơ sở để khẳng định chủ trương “Tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười” là hoàn toàn đúng đắn. Với tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước mà trong đó là vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đồng Tháp Mười đã từng bước “thay da đổi thịt” phát triển năng động, thành công như ngày hôm nay.
PGS.TS Hà Minh Hồng khẳng định, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được coi như một công trình sư, có khả năng tập hợp những người có tư tưởng khai phá, kết nối được tất cả những vấn đề để kiến tạo nền kinh tế xã hội của cả quốc gia. Ông nhìn thấy ở mỗi địa phương những bài toán đặt ra, trên cơ sở đó ông tạo điều kiện để giải quyết. Đó là công lao của đồng chí Võ Văn Kiệt".
Đồng Tháp Mười 40 năm nhìn lại
Là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Trong đó Long An chiếm hơn phân nửa, thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường. Vùng Đồng Tháp Mười có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Vườn quốc gia Tràm Chim...
Đồng Tháp Mười ngày nay đã đổi thay đáng kể, giao thông thủy bộ di chuyển thuận lợi. Chứng kiến những đổi thay suốt chiều dài sự phát triển của Đồng Tháp Mười, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, một người con của huyện biên giới Vĩnh Hưng không khỏi xúc động khi nhắc đến công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Truyền tâm sự, 40 năm trước, khi ông còn làm cán bộ nông nghiệp ở Đồng Tháp Mười, Chương trình dân sinh vùng lũ cùng với Quyết định số 1956 với vai trò Thủ tướng Chính phủ khi đó là bác Sáu Dân cho phép người dân được đôn nền, được vay vốn xây dựng, cải tạo nhà cửa... Đây là bước ngoặt giúp thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình ở vùng biên. Rồi chủ trương xây dựng cụm dân cư vượt lũ tại xã Khánh Hưng ở huyện Vĩnh Hưng là tiền đề để hình thành nhiều khu dân cư mới, trở thành mô hình mẫu cho cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Các tuyến kênh thủy lợi được khơi thông, cụm tuyến dân cư vững chắc được hình thành là tiền đề, động lực quan trọng để Đồng Tháp Mười phát triển. Phải khẳng định đây chính là tầm nhìn mang tính chiến lược về sự liên kết vùng đã được Trung ương quan tâm rất sâu sát qua sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Ông Nguyễn Thanh Truyền chia sẻ: "Khi có hai con kênh Trung ương và Hồng Ngự đã đưa nước ngọt từ sông Tiền về bên này, cho nên bà con rất thuận lợi chuyển đổi lúa hai vụ rất nhanh, hiệu quả. Bác Sáu là người có công lớn trong việc là khai phá khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Mỗi khi ngồi tâm sự thì người dân luôn biết ơn bác Sáu".
Từ một vùng đất đầy cỏ dại, năn, lác, sình lầy năm xưa, nhờ quá trình khai hóa và gieo trồng, Đồng Tháp Mười ngày nay đã có những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt. Trong thành công ấy có sự góp sức không nhỏ của ông Sáu Dân. Theo ông Lê Thanh Tâm (Tư Tâm), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, giờ đây những địa danh Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng hay Tân Hưng, Tân Thạnh... được nhắc đến bởi sự năng động, sáng tạo, đang trên đà đô thị hóa nhanh chóng. Không chỉ có ngôi nhà khang trang, cụm đô thị kết nối liên vùng mà nơi đây còn có những tuyến đường nối dài từ tuyến Cảng quốc tế Long An đến tận cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, khu vực trung tâm Đồng Tháp Mười để giao thương kết nối với nước bạn Campuchia.
Ông Tâm cho biết thêm, ngày trước không ai dám lên Đồng Tháp Mười, nhưng nay dân cư rất đông đúc, người dân ở trong từng cụm tuyến dân cư rất ổn định an tâm. Có thể nói đó cũng nhờ chủ trương, công lao của Chính phủ lúc đó có đứng đầu là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giúp cho Đồng Tháp Mười hôm nay tươi sáng hơn, yên ổn và vững chắc hơn.
Tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, trong đó có vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ đã chỉ đạo và từng bước thực hiện công cuộc khai hóa thành công, giúp cho vùng đất Đồng Tháp Mười ngày nay “thay da đổi thịt”, tạo sự chuyển biến vượt bậc, đưa kinh tế - xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ./.
Nguyễn Quang/VOV-TPHCM