Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân và công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021.
Trước đó vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các dự án dữ liệu dân cư và dự án căn cước, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử. Hai dự án này được Bộ Công an tập trung thực hiện và hiện cơ bản đã hoàn thành, sớm hơn so với kế hoạch một tháng.
Một dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp
Đây là hai dự án khác nhau nhưng được lực lượng công an lồng ghép tối đa, giúp giảm chi phí 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế xây dựng theo mô hình tập trung gồm Trung tâm dữ liệu (DC) tại Hà Nội và Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) tại TP. Hồ Chí Minh bảo đảm hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: "Sau hơn một năm triển khai, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án trên. Đây là 2 dự án độc lập, nhưng bộ đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để đồng bộ tránh lãng phí. Qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. Góp phần tích cực trong việc xây dựng chính phủ điện tử."
Đến nay, Bộ Công an đã thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và kết nối dữ liệu với 33/63 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó giúp xác thực thông tin công dân, giải quyết 236 thủ tục hành chính, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với dự án sản xuất và cấp CCCD gắn chip, Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 15/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thu nhận gần 54 triệu hồ sơ cấp CCCD. Dự kiến việc in và trả toàn bộ thẻ căn cước sẽ hoàn thành từ nay đến hết tháng 9.
Với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” như tiêu chí mà Bộ Công an đặt ra, CSDLQG về dân cư giúp các bộ, ngành có dữ liệu gốc làm nền tảng trong giao dịch dịch vụ công.
Bên cạnh đó, CSDLQG về dân cư còn là nền tảng quan trọng, điều kiện cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân trên môi trường số; giúp người dân không bị giới hạn về thời gian, thủ tục và địa giới hành chính khi giao dịch với chính quyền các cấp, với doanh nghiệp. Đó chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc công bố chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng chia sẻ thêm, đây cũng là một dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp, tiến hành và đưa vào sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn, để lại bài học quý về khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư công, tránh dàn trải, tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ xứng đáng nhất trong lúc đất nước còn khó khăn, cùng với đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Thủ tướng cũng nhắc tới sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân cho thấy hai dự án hợp lòng dân, “nhiều người dân xếp hàng, thức đêm để làm căn cước công dân”.
Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia
Về chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử, năm nhóm mục tiêu đến năm 2025 được đề ra trong Chiến lược gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.
Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh./.
Võ Nam/VOV.VN