Tình trạng tham nhũng xảy ra ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ, tính chất và mức độ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Vì sao có thực trạng đó, làm gì để ngăn chặn đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng trong các cơ quan tư pháp?
Phát hiện không hết hành vi tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật
Đầu tháng 6/2021, Đỗ Văn Khoa, cựu kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ba Vì, Hà Nội đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù về tội nhận hối lộ 20 triệu đồng và 13 quả trứng đà điểu. Trước đó, tháng 5/2021, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tuấn, Thẩm phán TAND TP Kon Tum về tội nhận hối lộ. Hay vụ nhóm cán bộ chiến sĩ công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng bị khởi tố về hành vi nhận tiền của nhóm đối tượng tàng trữ, sử dụng ma túy rồi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tháng 4/2019, Lý Phương Tùng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành dân sự huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cũng đã bị bắt vì hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.
Đó là một vài dẫn chứng về tình trạng tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật.
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nhận định, hành vi nhận tiền của đương sự, nhận tiền vặt, tham nhũng vặt trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không thiếu, do phát hiện không hết, chúng làm ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc.
Có thể nhận diện các hành vi tiêu cực như bao che cho cơ quan đơn vị, người bị khiếu nại tố cáo gây nên khiếu nại phức tạp kéo dài, tìm lý do khác để không xử lý vụ phạm tội, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, tha trái pháp luật người đang bị giam giữ, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn tham nhũng trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thiếu căn cứ…
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, thực trạng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong các cơ quan tư pháp sẽ trực tiếp làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng và nguy hại hơn, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Trung Đức, chuyên gia pháp luật hình sự, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển nhìn nhận, tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật, người sau sẽ noi theo người trước, cấp dưới noi theo cấp trên thực hiện các hành vi tham nhũng hoặc dung túng cho tham nhũng, trục lợi làm cho vấn nạn tham nhũng, cố tình vi phạm pháp luật ngày càng trầm trọng, sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật, coi thường pháp luật.
Cần có cơ chế giám sát việc thực thi quyền lực ở cơ quan tư pháp
Vì sao tham nhũng vẫn còn xảy ra ở các cơ quan tư pháp? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, hệ thống pháp luật ở nước ta còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số chế định pháp luật còn áp dụng chế tài tùy nghi, việc giải thích hướng dẫn pháp luật chưa kịp thời và chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho việc nhận thức, áp dụng pháp luật giữa những người "cầm cân nảy mực" thực hiện các hoạt động không thống nhất. Việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của tòa án cũng chưa chặt chẽ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng…
Để phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động tư pháp. Đặc biệt, cần cơ chế kiểm tra, giám sát từ quần chúng nhân dân và báo chí đối với hoạt động tư pháp; đề cao trách nhiệm pháp lý của cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng, thực hiện quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật đối với cán bộ của cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án. Điều cần nhất là phải có một thể chế, tổ chức đặc biệt để giám sát chế ước có hiệu quả hơn việc thực thi quyền lực đối với các cơ quan tư pháp.
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nêu quan điểm, việc đấu tranh phòng và chống tham nhũng trong cơ quan tư pháp có thể nói là rất khó, bởi các cơ quan đó được sinh ra là để phòng và chống tiêu cực trong xã hội, mà bản thân đó lại là nơi phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, khi thiết kế ra hệ thống thể chế pháp luật phải tính đến việc trao những thẩm quyền rất lớn cho cơ quan tư pháp nhưng không để mất quyền kiểm soát họ. Bằng cách nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan này, tăng cường chất lượng, không chỉ tính chuyên nghiệp mà còn đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ trong cơ quan tư pháp. Điều quan trọng nữa là tăng cường thiết chế giám sát ở các tổ chức bổ trợ khác để họ có thể cân bằng lại, họ có thể kiểm tra, giám sát các cơ quan tư pháp. Cùng với đó, cũng phải thay đổi cơ chế làm việc giữa các cơ quan tư pháp với nhau, phải có tính độc lập tương đối với nhau.
Song song với nhiệm vụ cải cách về tổ chức, phải quan tâm việc hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng; xây dựng phần mềm điện tử hóa việc phân công án để bảo đảm minh bạch, khách quan./.
Sỹ Lý/VOV1