Trước dự báo, tình hình kinh tế năm nay vẫn còn nhiều thử thách và rủi ro, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các văn bản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các giấy phép cũng như các quy định quá chặt chẽ, không hợp lý. Đặc biệt, phải tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng để doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động.
“Các doanh nghiệp phải tổ chức liên kết kinh doanh theo ngành dọc để tạo ra khối lượng lớn trong sản xuất những đơn hàng lớn, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo ra liên hệ ngang với các ngành nghề khác, để từ đó có thể có được những nguyên nhiên vật liệu phụ tùng có chi phí hợp lý. Đặc biệt là có thể nội địa hóa được nguồn nguyên nhiên vật liệu thì chi phí sản xuất sẽ giảm đi và chất lượng hàng hóa sẽ nâng lên”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kỳ vọng thời gian tới: “Chúng ta phải xây dựng các giải pháp chiến lược liên kết chuỗi toàn nền kinh tế xã hội của đất nước, để sử dụng các sản phẩm của nhau. Như doanh nghiệp chúng tôi đang sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu, song có một thực tế một số doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm đó về Việt Nam - thì đây là một vấn đề đang rất rời rạc. Cho nên chúng ta cần quy định hướng hoạch định liên kết chuỗi một cách toàn diện trong hệ thống nền kinh tế đất nước”.