CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Trước hết là cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh và tự động hóa trong quy trình nghiệp vụ giúp đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai.
Ảnh hưởng của CMCN 4.0, cụ thể là Internet, Internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây… đã giúp các đơn vị trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, thanh toán điện tử, quản trị… hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai. Thêm vào đó, tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là động lực giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới.
Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ sẽ thúc đẩy sự hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới trong ngành ngân hàng như: M-POS, ví điện tử, công nghệ thẻ chip, Mobile Banking, Internet banking… Sự ra đời của những sản phẩm dịch vụ tài chính mới này sẽ tạo thuận lợi trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và góp phần tiết kiệm được chi phí giao dịch cho người dân.
Mô hình ngân hàng số hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính trên môi trường mạng Internet đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống của ngân hàng. Ảnh: Internet
Trong bối cảnh CMCN 4.0, mạng máy tính kết nối các thị trường tài chính trên toàn cầu thành một thị trường thống nhất và hoạt động liên tục. Điều này góp phần khắc phục được trở ngại về thời gian và không gian, tiết kiệm được chi phí, đồng thời tạo điều kiện cho các giao dịch ngân hàng quốc tế được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, đem lại cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh tài chính, ngân hàng.
Nhờ việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, từ đó góp phần giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng, đặc biệt là công tác thống kê, dự báo về hoạt động tài chính ngân hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.
CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, buộc các ngân hàng Việt Nam phải quan tâm. Một số thách thức lớn đối với ngành ngân hàng như sau:
Thứ nhất, CMCN 4.0 đặt ra thách thức trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động ngân hàng. Trong đó, việc xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ.
Thứ hai, CMCN 4.0 đặt ra thách thức đối với các ngân hàng trong nước là cần xem xét lại mô hình tổ chức để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử… đồng thời, các ngân hàng phải nghiên cứu, thay đổi các dịch vụ một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thời đại CMCN 4.0.
Thứ ba, CMCN 4.0 với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số sẽ làm tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động. Điều này đặt ra thách thức cho toàn bộ ngành Ngân hàng Việt Nam về an toàn hệ thống, vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về số lượng, chất lượng, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin phục vụ cho ngành Ngân hàng.
CMCN 4.0 dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng, đòi hỏi các ngân hàng phải tích cực thay đổi, sáng tạo và có phương án phát triển tốt nếu không sẽ bị tụt lùi và loại bỏ.
Thứ tư, hiện nay các ngân hàng Việt Nam thường có nhiều chi nhánh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ về khoa học công nghệ của CMCN 4.0, xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến và khi đó vai trò của các chi nhánh sẽ giảm đi. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng trong việc giảm dần vai trò của các chi nhánh.
Thứ năm, một thách thức lớn đối với ngành Ngân hàng là việc đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề đáng quan tâm của toàn ngành.
Thứ sáu, CMCN 4.0 dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng, đòi hỏi các ngân hàng phải tích cực thay đổi, sáng tạo và có phương án phát triển tốt nếu không sẽ bị tụt lùi và loại bỏ.
Thứ bảy, CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới về số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên ngân hàng, đặc biệt là nhiều hoạt động có thể được thực hiện bằng rô bốt. Để giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc cho một số lượng công nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 (còn tiếp)./.
Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lê Thu Hoài (theo Tài chính online)