Kết quả ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam
Trong bối cảnh CMCN 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa đang tạo điều kiện cho người dân Việt Nam làm quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt và chấp nhận sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích, dịch vụ thanh toán trên các thiết bị di động. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet tại Việt Nam ngày càng tăng lên.
Đến nay, tại Việt Nam có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu lượt và doanh số hơn 10 triệu tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xe, bảo hiểm…
Không chỉ hướng tới khách hàng cá nhân, SeABank cũng triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến - SeANet dành cho doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Hiện nay, đã có 50 NHTM ký kết triển khai dịch vụ thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 NHTM ký kết với các công ty điện lực thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 NHTM triển khai dịch vụ thu tiền nước sạch tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 12 NHTM triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường Đại học; 8 NHTM triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 6 NHTM phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Các NHTM Việt Nam đã chủ động nắm bắt phản ứng của các ngân hàng trên toàn cầu đối với công nghệ tài chính - Fintech cũng như CMCN 4.0 và đang chủ động tích cực triển khai theo chiến lược kinh doanh, phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích và an toàn theo nguồn lực tài chính cũng như khả năng ứng dụng của mình. Nhiều NHTM đang chủ động và mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới về quản lý và giao dịch ngân hàng điện tử, công nghệ ngân hàng số…
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng
Một là, xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược được xây dựng căn cứ vào thực trạng ngành ngân hàng và những vấn đề do CMCN 4.0 đặt ra; Tập trung phát triển NHNN hiện đại, tiên tiến, có mô hình tổ chức hợp lý, phát huy vai trò điều hành, định hướng, quản lý hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đảm bảo ngành Ngân hàng vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của CMCN 4.0.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đặc biệt là các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ CMCN 4.0 thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng. Ưu tiên nguồn lực để phát triển những giải pháp công nghệ mới, khuyến khích những ý tưởng và kế hoạch sáng tạo nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động ngân hàng, đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc thị trường và cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, NHNN thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật, các chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng thương mại để nắm bắt và chỉnh sửa kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả.
Bốn là, chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Các ngân hàng cần đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh, bảo mật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, bảo mật; phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng về bảo mật; nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro. Bảo đảm bí mật thông tin khách hàng, bảo đảm an toàn về tài sản cho khách hàng.
Năm là, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu phổ cập tài chính chất lượng cao cho nền kinh tế; phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân.
Sáu là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng, trong đó chú trọng đổi mới và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đủ năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu quản lý và kinh doanh ngân hàng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới.
Tóm lại, CMCN 4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến ngành Ngân hàng Việt Nam đặt ra các cơ hội và thách thức. Do đó, các nhà hoạch định chính sách và quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và kinh doanh phù hợp để nắm bắt, tận dụng được cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận, thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc CMCN 4.0./.
Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, Lê Thu Hoài (Theo Tài chính online)