Trung Quốc hiện giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Ba tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trung Quốc luôn là thị trường ưu tiên trong chính sách thương mại của Việt Nam. Hiện Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải mặt hàng gì cũng chấp nhận. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, do đó hàng hóa của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh tại nhiều thị trường lớn.
Thông tin về thị trường Trung Quốc, ông Đinh Thành Công, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc còn nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết.
Song ông Đinh Thành Công cũng chỉ rõ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều khó khăn như nhu cầu tại Trung Quốc chưa thực sự khôi phục; dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Cũng tại hội nghị, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, các chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông đã thông tin về tình hình thị trường Trung Quốc; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đại diện các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng đã nêu những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc...
Theo Hanoimoi.com.vn