Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra cuối tuần qua, Chính phủ cho biết đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 (theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp).
Trong bối cảnh những năm qua vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội thì kết quả này là một nỗ lực rất lớn. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.
Nghị quyết số 27 đặt mục tiêu cải cách tiền lương từ 1-7-2021, nhưng do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình này đến nay chưa được thực hiện. Từ 1-7-2023, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Đây được xem là giải pháp “tình thế, trước mắt” để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Nội vụ, trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2023), Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương và báo cáo lộ trình thực hiện tại kỳ họp thứ 6 tới.
Tại báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng khung ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch ngân sách 3 năm (2024-2026), trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây sẽ là cơ sở để sử dụng nguồn tiền thực hiện cải cách tiền lương, tức xác định số được trích lập nhưng chưa sử dụng. Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương và đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Thời gian qua, câu chuyện cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ trong ngành giáo dục, y tế bỏ việc nhiều một phần do tiền lương không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu. Mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung. Vừa qua, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng 5% nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện. Vì thế, đội ngũ giáo viên đang mong mỏi Chính phủ sớm ban hành chính sách này, bởi theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, tuy con số nhỏ, nhưng khi thực hiện sẽ có thêm phần động viên, bù đắp cho đội ngũ.
Đã hơn một lần Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương; sớm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27. Trong điều kiện đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng, lộ trình cải cách tiền lương cần được đẩy nhanh hơn để đáp ứng mong muốn, nhu cầu của người hưởng lương, nhất là hiện nay, nhiều loại giá cả hàng hóa, tiền điện, nước đều đã tăng cao. Tăng lương, cải cách tiền lương một mặt là tăng chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên chức, mặt khác là cơ sở để chúng ta giữ chân người có tài, người giỏi phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn SGGP