(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)
Cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh tạo điều kiện phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.
Nhưng cả giai đoạn 2016-2020, số lượng cổ phần hóa các doanh nghiệp đã không đạt được như kỳ vọng.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, với Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt cùng với nhiều cơ chế chính sách được Chính phủ cũng như Bộ Tài chính ban hành được kỳ vọng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ được đẩy nhanh.
Chậm từ năm này qua năm khác
Theo thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) lũy kế giai đoạn 2016-2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong số 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt 28% kế hoạch.
Bộ Tài chính đã thẳng thắn thừa nhận tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm. Dù cả giai đoạn này cổ phần hóa được 178 doanh nghiệp, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên chỉ có 37 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa, theo kế hoạch đã được rà soát và điều chỉnh, nghĩa là vẫn còn 91 doanh nghiệp chưa hoàn thành việc cổ phần hóa.
Trong số đó, nhiều thành phố lớn, còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa như Hà Nội còn 13 doanh nghiệp chiếm 14% kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh còn 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch.
Về thoái vốn thì tổng số thoái vốn giai đoạn này là 27.312 tỷ đồng, nhưng thực tế thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn là do các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, các tồn tại, bất cập làm chậm quá trình cổ phần hóa thời gian qua.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nguyên nhân khách quan làm chậm kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn là doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, công tác bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường, do tình hình của dịch bệnh COVID-19, việc xác định giá trị doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan là nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp.
Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.
Không còn lý do chậm trễ
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt đã nhấn mạnh cần xác định lộ trình phù hợp để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đề án cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đồng thời đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu.
Đặc biệt, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thống qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Nhà máy Nhiệt điên Ô Môn thuộc Tổng Công ty Phát điện 2. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Đề án cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn này cũng sẽ thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.
Cùng với đó là phải rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội, tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án. Nhà nước sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.
Đặc biệt, Đề án yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các chính sách sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; đào tạo, chuyển đổi nghề và xử lý lao động dôi dư theo quy định pháp luật; tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhà nước về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ…
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, ngay khi Phó Thủ tướng phê duyệt đề án, Bộ Tài chính đã lập kế hoạch và triển khai ngay các nội dung được giao để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 sẽ cổ phần hóa 22 doanh nghiệp. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone…; dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn tại 126 doanh nghiệp gồm 12 doanh nghiệp thuộc bộ, ngành; 114 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân địa phương; chuyển 15 doanh nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) để thoái vốn với 11 doanh nghiệp thuộc bộ, ngành; 4 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân địa phương.
Để quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đi được đúng tiến trình và quỹ đạo, chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân, đó là người đứng đầu doanh nghiệp và cơ quan chủ quản.
"Phải mạnh tay hơn, có thái độ quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, làm chậm quá trình cổ phần hóa," ông Doanh đề xuất.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần rà soát, xây dựng, lập kế hoạch triển khai cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp để triển khai ngay trong Quý I/2022 và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đạt ít nhất 248.000 tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội giao về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ Tài chính, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các doanh nghiệp và địa phương để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhất là tại các địa phương./.
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)