Cấp trên phải quyết khi thấy đề xuất phù hợp
Kết luận 14 quy định: “Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng”.
Trên thực tế, có ý kiến lo ngại, nếu cấp dưới chủ động đề xuất lên cấp trên, hoặc địa phương đề xuất Trung ương nhưng do chưa có chủ trương, chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp thì sẽ rất ít, thậm chí không có vị lãnh đạo cấp trên nào dám đồng ý. Bởi vậy, cũng cần bổ sung thêm quy định nếu thấy cấp dưới đề xuất có căn cứ thực tiễn thì trong một thời hạn nhất định cấp trên “phải quyết” và phải trả lời rõ ràng mới có căn cứ để cấp dưới “dám làm”.
Hậu Giang là tỉnh được đánh giá là “dám nghĩ, dám làm” trong tinh giản biên chế. Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, trong thực hiện chủ trương, tỉnh nhận thấy một thực tế là việc tinh giản chỉ có giảm, không có tăng biên chế trong bộ máy sẽ dẫn tới nguy cơ lực lượng công chức, viên chức của tỉnh ngày một già đi không có người thay thế. Chính bởi vậy, Hậu Giang đã làm đề án, trong đó có việc đưa những người hoàn thành nhiệm vụ cả năm nhưng theo "Bộ tiêu chí đánh giá của tỉnh" thì thấp vào đối tượng tinh giản biên chế. Đề án được Ban chấp hành đảng bộ tỉnh thông qua và thống nhất, nhưng đến nay chưa dám triển khai, vì “chưa được cấp có thẩm quyền” đồng ý.
"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì được ủng hộ rất cao. Nhưng Ban Tổ chức Trung ương trả lời là, các đồng chí làm thì ủng hộ nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Bí thư nói là dám nghĩ, dám làm nhưng không dám triển khai"- Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang cho hay.
Đồng bộ hệ thống pháp luật
Theo Kết luận 14: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ soạn thảo cũng cụ thể hóa nội dung này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Nghị định phải đồng bộ với các luật khác, nếu không sẽ rất khó áp dụng. Một số chuyên gia cho rằng, cần “nâng” việc thể chế hóa Kết luận 14 bằng một đạo Luật hoặc một Thông tư liên ngành của các Cơ quan tư pháp thay vì dự thảo Nghị định của Chính phủ. Ý kiến này không phải không có lý, bởi luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định và khi xử lý thì phải căn cứ vào luật. Từ thực tiễn xét xử các vụ án liên quan cán bộ sai phạm, ông Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM đặt vấn đề.
"Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì Bộ Luật hình sự còn đó. Những gì vi phạm trên 100 triệu, không phân loại cố ý hay vô ý đều bị bắt giữ. Do đó, trước hết cần có thông tư liên ngành cấp Trung ương của ngành công an, quân sự, tòa án, viện kiểm sát để áp dụng cho Kết luận 14. Thí dụ đối với việc thực hiện những nhiệm vụ theo kết luận này, nếu sai thì không bị xử lý. Đó mới là hành lang pháp lý vững chắc"- ông Lê Thanh Phong nói.
Đổi mới thanh tra, kiểm tra
Trong đại dịch COVID-19 ở TP.HCM, cả nước được chứng kiến hình ảnh một thành phố nghĩa tình, trách nhiệm và xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ mạnh dạn “vượt rào” vì dân. Nhưng khi đại dịch được kiểm soát, cuộc sống bình thường trở lại, cần sự bứt phá để phục hồi, thì không ít cán bộ “thúc thủ, cầu an”.
Từng nhiều năm lăn lộn ở cơ sở, ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi, TP.HCM đúc kết: Để thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác lãnh đạo và công tác chuyên môn đã khó, chứ dám vượt qua khuôn khổ hay làm trái quy định càng khó hơn. Riêng việc muốn sáng tạo, đột phá thì không ít trường hợp bắt buộc phải vượt qua các quy định và rất dễ bị sai. Và thực tế đã có không ít việc làm sáng tạo, đột phá có thể đúng với địa phương nhưng có thể không đúng với công tác thanh tra, kiểm tra của Trung ương.
"Thành phố có quy định có lợi cho người dân, vận dụng các quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, áp dụng cho thành phố thì được nhưng thanh tra các Bộ, ngành vào thì người ta không chấp nhận. Người ta căn cứ vào thông tư, nghị định chứ không căn cứ vào quy định của thành phố. Cho nên chúng ta cần thể chế hóa các quy định để cán bộ mạnh dạn hơn trong đổi mới, sáng tạo"-ông Nguyễn Quyết Thắng nói.
Để kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu quả, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II cho rằng, trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán (kể cả điều tra), ngoài phát hiện những cá nhân, tổ chức làm trái quy định thì cần phải xem xét việc làm đó do ý chí chủ quan, do tư lợi cá nhân, hay làm vì lợi ích chung nhưng do chính sách không còn phù hợp với thực tiễn nên dẫn đến làm trái?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng kiến nghị, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phải đổi mới: "Hiện nay chúng ta vẫn giữ những quy định cũ và khi giám sát, kiểm tra chỉ lấy quan điểm cũ ra. Mặc dù trong nội dung giám sát kiểm tra Đảng nói rất rõ, không chỉ kiểm tra sai phạm mà còn phải xem đường lối, chủ trương còn phù hợp nữa hay không. Và những người đó, nếu là người tốt thì phải bảo vệ họ, miễn là anh em không tư túi. Anh em làm vì cái tâm, vì sự phát triển".
Có thể thấy rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra khi cụ thể hóa Kết luận 14. Đó là sự thống nhất đánh giá của các cấp, ngành từ địa phương đến Trung ương; sự đồng bộ của các văn bản pháp luật và đổi mới công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán. Khi cơ chế đồng bộ, phù hợp đi vào cuộc sống, sẽ xuất hiện nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, góp phần “tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung” - như Kết luận 14 đề ra./.
Nhóm PV/VOV-TPHCM