Dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng triệu lao động bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động. Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Navigos Group, đơn vị chuyên tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung đến cấp cao đã có trao đổi với VOV.VN về dự báo thị trường lao động thời gian hậu dịch Covid-19.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền bắc Navigos Group. (Ảnh: Cafe F) |
PV: Thưa bà, dịch Covid-19 đã tác động ra sao đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động Việt Nam trong 2 quý nửa đầu năm 2020?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Trong thời gian đại dịch, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp ngay lập tức. Điển hình là các ngành về bán lẻ, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ về giáo dục, dệt may... Bên cạnh đó cũng có những ngành không những không bị ảnh hưởng, thậm chí dịch bệnh đã tạo ra cú hích cho các doanh nghiệp phát triển do nhu cầu tăng vọt. Đặc biệt là các ngành liên quan đến công nghệ thông tin như thương mại điện tử, ngân hàng số, giáo dục trực tuyến, bảo hiểm.... nhu cầu của thị trường tăng mạnh trong thời gian đại dịch.
Từ đầu tháng 5, khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội, trở lại cuộc sống bình thường mới, các doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng trở lại, song mức độ tuyển dụng không giống như giai đoạn trước, bởi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Đơn cử như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các công ty mẹ. Hay các doanh nghiệp Việt Nam có thị trường xuất khẩu nước ngoài. Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước là rất lớn. Do đó, khi thế giới chưa bình thường trở lại, chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do thời gian qua Việt Nam đã đối phó rất tốt với dịch bệnh, nên các doanh nghiệp nước ngoài thấy rằng đây là điểm đến an toàn có thể phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, may mặc cũng đang có xu hướng mở rộng nhà máy tại Việt Nam.
PV: Dự báo, nhu cầu tuyển dụng trong thời gian “hậu Covid-19” sẽ có những biến động ra sao, thưa bà?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Tôi nhận thấy một số ngành nghề có xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng khi dịch đang dần ổn định. Những ngành trong giai đoạn dịch không bị ảnh hưởng vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Các mảng sản xuất có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Mảng dịch vụ về du lịch, nhà hàng, lưu trú đang có dấu hiệu tốt hơn. Với các chính sách, chiến lược kích cầu của doanh nghiệp, nhiều nhà hàng, khách sạn đang full phòng, việc tuyển dụng cũng bắt đầu gia tăng.
Trong thời gian tới, khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt hơn, các lĩnh vực công nghệ cao như điện, điện tử, IT, các nhà đầu tư sẽ tìm đến Việt Nam nhiều hơn.
Ngay từ khi bắt đầu giai đoạn bình thường mới, Navigos đã tiến hành khảo sát với các doanh nghiệp về khả năng khôi phục trở lại cũng như là phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và việc tuyển dụng lao động. Kết quả cho thấy, có đến 60% doanh nghiệp trả lời rằng khá là tự tin về tình hình hoạt động và sản xuất kinh doanh, việc tuyển dụng cũng được dự báo sẽ sáng sủa hơn trước.
Như vậy, có nghĩa 40% các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn, khảo sát cảm thấy chưa có dấu hiệu tích cực. Nhưng 60% cũng là con số rất tốt.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều vào tình hình thế giới. Chừng nào các nước trên thế giới chưa bình thường trở lại thì chúng ta vẫn sẽ chưa thể khôi phục hoàn toàn. Bởi nếu chỉ phục vụ thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt sẽ không thể bứt phá. Do đó, câu trả lời thị trường lao động có tốt lên hay không còn phụ thuộc vào việc là thế giới kiểm soát dịch bệnh ra sao.
PV: Là đơn vị cầu nối trong tuyển dụng nhân sự giữa doanh nghiệp và người lao động. Theo bà, các doanh nghiệp đang cần gì ở lao động Việt Nam, đâu là những điểm yếu cần khắc phục để tăng tính cạnh tranh về nguồn nhân lực trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng không còn hướng đến thâm dụng lao động và lao động giá rẻ như trước kia. Bản thân Việt Nam hiện nay cũng không còn ý định cạnh tranh với các quốc gia khác bằng nguồn lao động giá rẻ mà chuyển dần sang lao động chất lượng cao.
Sắp tới, khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được hiện thực hóa, nhiều doanh nghiệp Châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ chú ý nhiều hơn đến hàm lượng chất xám và công nghệ ở thị trường lao động.
Nhưng thực tế hiện nay, lao động Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ giáo dục.
Nhiều trường CĐ, ĐH của Việt Nam chưa gắn học đi đôi với hành, trường học chưa “bắt sóng” được với nhu cầu của doanh nghiệp, chưa biết họ cần gì mà đang đào tạo những gì mình có. Cũng bởi vậy, mà rất nhiều doanh nghiệp đang tự mở trường đại học riêng, để tự cung ứng nguồn nhân lực theo đúng yêu cầu. Như vậy bài toán đặt ra là các trường đại học cần nắm được nhu cầu doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để nắm được nhu cầu của thị trường, cách duy nhất là các trường cần chủ động tìm đến doanh nghiệp, lắng nghe xem họ cần gì, từ đó thay đổi nội dung giảng dạy.
Với những trường đào tạo đúng nhu cầu doanh nghiệp, thì luôn trong tình trạng không đủ sinh viên để cung ứng.
Ngoài ra, nhiều lao động đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nhưng lại không có trình độ ngoại ngữ. Việc dạy ngoại ngữ trong các trường hiện nay chưa có tính thực hành, ứng dụng cao, tập trung chủ yếu vào ngữ pháp.
Đặc biệt, ngay cả khi đã được tuyển dụng vào doanh nghiệp, người lao động cũng cần ý thức về vấn đề học tập suốt đời. Nhưng để làm được điều này, doanh nghiệp cần có các chính sách, hình thức đào tạo cụ thể cho người lao động. Hàng năm doanh nghiệp cần quy định rõ ràng về số giờ học, bài giảng, phối hợp đào tạo trong doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp, gửi nhân viên đi bồi dưỡng đào tạo ở nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang làm rất tốt việc này. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có những quan tâm sát sườn và tạo điều kiện cho người lao động.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Nguyễn Trang/VOV.VN