Đặc biệt, trong giai đoạn doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng với đại dịch COVID-19, vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển ổn định.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Xanh, với chủ đề "Thích ứng và phát triển hậu COVID-19" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ngày 22/4.
Xu hướng xanh hóa nền kinh tế
Theo các chuyên gia, đã có nhiều thống kê cho thấy số doanh nghiệp bị buộc phải ngừng hoạt động trong hai năm chịu tác động của dịch bệnh, nhưng thật khó để có thể nghiên cứu và tính toán được hết những thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua để tồn tại và phát triển trong đại dịch. Câu chuyện nhiều doanh nghiệp “đang làm ăn yên ổn” nhưng trở nên lao đao vì đại dịch cũng khá phổ biến tại thị trường Việt Nam, cũng như trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận có những doanh nghiệp lại tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch bệnh nhờ sản phẩm và công nghệ, hoặc chủ động thay đổi phù hợp với những diễn biến đại dịch và thói quen người tiêu dùng. Qua đây, có thể thấy các doanh nghiệp cần phải xác định được giá trị cốt lõi, lựa chọn giải pháp, phương án phát triển thích nghi với xu thế trong tương lai xa thay vì chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt.
Theo đó, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang trở thành con đường mở ra cho doanh nghiệp sự phát triển bền vững sau một thời gian dài khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Đây cũng là chiến lược định vịnh thương hiệu trong tương lai của doanh nghiệp, thông qua sản phẩm và dịch vụ hướng tới yếu tố tuần hoàn và bền vững.
PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, kinh tế tuần hoàn hướng tới chuyển đổi xanh ở Việt Nam; trong đó, có thể kể đến hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh. Sự khác biệt giữa kinh tế tuần hoàn với những nền kinh tế khác như nền kinh tế tuyến tính, kinh tế tái chế... từ khâu khai thác, sản xuất, sử dụng, sữa chữa, hoàn lại...
Nền kinh tế tuần hoàn sẽ áp dụng ở các cấp độ nhỏ, vừa, lớn. Nền kinh tế tuần hoàn giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhưng, nền kinh tế tuần hoàn cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đây còn là bài toán liên ngành và liên thị trường, nếu giải quyết được mới tạo ra được giá trị gia tăng cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Cùng quan điểm, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban biến đổi khí hậu và môi trường, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, trực thuộc Liên hiệp quốc cho biết, chuyển đổi tăng trưởng xanh có những đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn và Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng này. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu đối với chuyển đổi tăng trưởng xanh, vì đây là vấn đề cần thực hiện chứ không phải là cam kết.
Hiện nay, cơ chế chính sách của Việt Nam mới đưa ra bộ khung và định hướng, nên cần sớm có những chương trình chi tiết hơn với những mục tiêu cụ thể. Trên nền tảng cơ chế chính sách phù hợp với xu hướng phát triển của toàn cầu, Việt Nam mới có thể vừa thúc đẩy đầu tư, thu hút đầu tư, vừa khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Gia tăng giá trị
Ghi nhận giai đoạn gần đây, các hoạt động kinh tế Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đang dần trở nên nhộn nhịp và sôi động. Bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động tăng trưởng xanh hay phục hồi xanh.
Chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh được đánh giá là chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng thị trường trong và ngoài nước. Điển hình, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đang đi theo xu hướng hạn chế phát thải khí CO2; đồng thời nghiên cứu, sử dụng nguồn năng lượng mới, công nghệ thân thiện môi trường.
Mặt khác, sự thay đổi thói quen tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đòi hỏi nhà cung cấp, nhà bán lẻ cung ứng hàng hóa theo tiêu chí xanh và minh bạch thông tin. Xu hướng xanh và lối sống xanh cũng đang đặt ra bài toán mới cho doanh nghiệp Việt trong cuộc đua nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh trên cả thị trường trong và ngoài nước.
Trước yêu cầu cần những chiến lược mới, nhất là hậu COVID-19 và áp lực trước tiêu dùng xanh trên thị trường, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho hay, hai yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xanh là chuyển đổi số và nền kinh tế tuần hoàn. Trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không xanh thì người tiêu dùng toàn cầu không ưu tiên lựa chọn và dẫn đến doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh.
"Tăng trưởng xanh xuất phát từ nhu cầu của thị trường chứ không chỉ dừng lại ở cơ chế chính sách hay quy định pháp luật. Doanh nghiệp, thương hiệu nào xanh và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền mua sắm sản phẩm. Trên thực tế cũng cho thấy, tăng trưởng xanh giúp doanh nghiệp, thương hiệu chống chịu tốt hơn về cả trung và dài hạn so với những đơn vị khác", Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ thêm.
Với bối cảnh nhiều FTA mà Việt Nam tham gia ký kết và đi vào giai đoạn hiệu lực, đòi hỏi cộng đồng xanh Việt phải đảm bảo những yêu cầu về môi trường và tăng trưởng xanh. Cùng với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu chủ đạo liên quan đến một nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, để có được thị trường, sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với những sản phẩm - dịch vụ được tạo ra dưới hình thái “kinh tế xanh”, doanh nghiệp có thể thực hiện từng bước nhỏ bằng cách tạo ra giá trị gia tăng từ sản phẩm, thị trường và khách hàng xanh. Sau khi thu về nguồn lực đủ mạnh thì có thể tiến đến những bước lớn hơn để định hướng xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, những yếu tố sản xuất, tiêu dùng, lối sống, cơ chế chính sách xanh không thể tách khỏi chuyển đổi xanh để mang lại giá trị gia tăng trong tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ nền "kinh tế tuyến tính" sang nền "kinh tế tuần hoàn"... ngoài cơ chế chính sách của Chính phủ có những ưu đãi nhất định thì mỗi địa phương nên có những bộ tiêu chí tăng trưởng xanh đa dạng kênh thu hút nguồn lực.
Nguồn Báo tin tức