Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm may mặc, thời trang nội địa, bà Lê Hà Minh, Giám đốc Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thiếu vốn cho hoạt động kinh doanh. Song doanh nghiệp đã chuẩn bị các kịch bản để đối phó, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch. Cùng với tiêu thụ thị trường trong nước, công ty vẫn đã và đang nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng trên thế giới.
“Chúng tôi cũng có những chính sách để chuẩn bị cho mình trong những đợt khủng hoảng tiếp theo, về thị trường, chúng tôi đa dạng hóa thị trường của mình, tìm các thị trường nước ngoài, Ví dụ, như hiện tại, doanh nghiệp cũng đã có một số đối tác đang theo đơn hàng ở Canada, New Zealand bởi vì thực tế dù là thị trường quốc tế bị ảnh hưởng, nhưng nhu cầu thì đâu đó vẫn còn”, bà Lê Hà Minh chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thích nghi. Trong khó khăn, lực lượng doanh nghiệp nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội. Đặc biệt chú trọng hơn nữa thị trường trong nước, tạo chuẩn giá trị mới để phục hồi và duy trì sản xuất trong đại dịch. Nhà nước cần xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh và có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế nêu quan điểm, việc xóa bỏ các rào cản, cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần để thực hiện hóa mục tiêu kép của Chính phủ.
“Vượt qua khó khăn này để thực hiện mục tiêu kép, tôi cho rằng, chúng ta cần phải có hệ sinh thái hợp lý, xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp trong thực hiện những mục tiêu trong sản xuất kinh doanh của mình. Chúng ta phải có sự đồng tâm hiệp lực trong khó khăn vì dịch bệnh. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn mong đợi nhất việc cải cách hành chính để rút ngắn thời gian, rút ngắn thủ tục rườm rà, tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp có được thụ hưởng và phát triển của mình”, ông Nguyễn Quốc Hải đề xuất./.
Nguyễn Hằng/VOV1