Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 83% các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã trở lại sản xuất với quy mô trên 60%. Số còn lại sản xuất trở lại với quy mô gần 18%.
Còn tại Đồng Nai, trên 80% doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng trên dưới 30.000 lao động.
Tại tỉnh Lâm Đồng, nếu người lao động đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 thì sẽ không phải làm xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, liều vaccine cuối cùng phải được tiêm ít nhất 14 ngày trước và không quá 12 tháng hoặc người lao động đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Quy định này là để giảm chi phí xét nghiệm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Doanh nghiệp được chủ động hơn trong tổ chức sản xuất
Nghị quyết số 128 mà Chính phủ vừa ban hành về Quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn dịch COVID-19" là tin tích cực với nhiều doanh nghiệp, ở chỗ nó có ý nghĩa thống nhất quy định chống dịch trong bối cảnh mới cho toàn bộ các tỉnh thành, hạn chế tình trạng cục bộ, chia cắt, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp thì Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới. Với các tiêu chí cụ thể để phân loại 4 cấp độ dịch ở các tỉnh thành, Nghị quyết đã cho doanh nghiệp nắm được với cấp độ dịch nào thì doanh nghiệp thuộc ngành nào được hoạt động hay không hoạt động và hoạt động ở mức độ nào.
Nghị quyết 128 ban hành quy định một số lĩnh vực được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ, trong đó có sản xuất, xây dựng, thi công công trình, hay vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ giúp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, đặc biệt với các ngành sản xuất có đơn hàng tăng cao vào cuối năm.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 83% các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã trở lại sản xuất với quy mô trên 60%. Ảnh minh họa.
Bà Đỗ Thị Ngọc Bích - Giám đốc Hành chính Nhân sự, Công ty Thời trang STAR cho hay: "Với quy định mới này chúng tôi sẽ không gặp phải tình trạng nguyên vật liệu về muộn hoặc việc xuất hàng bị chậm muộn nữa".
"Chúng tôi rất mừng và rất phấn khởi vì đây là một cách nhìn nhận thích đáng của Chính phủ về hoạt động của ngành xây dựng và như thế có thể cho phép được ngành xây dựng lấy lại được thời gian mà chúng tôi đã bị mất vì giãn cách", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp vẫn thận trọng chờ đợi vì lo ngại rủi ro vì các tỉnh, thành sẽ có cách hiểu và vận dụng quy định mới khác nhau. Mặc dù phấn khởi với chủ trương mới, song có những doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn khi triển khai ở cấp địa phương.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho hay: "Mỗi Bộ, ngành cần có sự phối hợp với Bộ Y tế để ra được bộ tiêu chí an toàn riêng cho từng ngành. Vai trò của chính quyền địa phương sẽ là kiểm tra sự tuân thủ, chấp hành theo các tiêu chí để giúp cho họ có động lực, tự tin để mở hoàn toàn, tránh tình trạng ngăn sông cấm chợ".
Chính quyền chạy đua tập trung tháo gỡ vướng mắc
Trải qua thời gian khó khăn khốc liệt nhất, giống như một chiếc lò xo bị nén đến mức tối đa, giờ là lúc giải nén để bật lên phục hồi. Một chính sách tốt được thực hiện có hiệu quả, cả nghìn doanh nghiệp được hưởng lợi kéo theo đó là sinh kế của rất nhiều lao động hoặc ngược lại.
Do đó đây được ví như một giai đoạn chạy đua của cả doanh nghiệp lẫn chính quyền. Doanh nghiệp chạy đua để tái cấu trúc. Chính quyền cần chạy đua tập trung tháo gỡ vướng mắc để phục hồi kinh tế nhanh hơn.
10 năm hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương với kim ngạch mỗi năm đạt gần 10 triệu USD, chưa bao giờ Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc (Phú Yên) lại gặp khó khăn như giai đoạn COVID-19 vừa qua. Sản lượng xuất khẩu từ 80 - 100 tấn mỗi tháng có thời điểm giảm còn 40%. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ do xuất khẩu giảm.
Vì vậy, ngay sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các phương án khôi phục sản xuất kinh doanh.
"Chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất nhiều kịch bản, phương án để trở lại hoạt động sớm nhất có thể. Đối với các thị trường nước ngoài cũng tìm kiếm những đối tác mở rộng, hướng về những thị trường mới. Những quốc gia đã ổn định về dịch chúng tôi tìm đầu ra cho sản phẩm", ông Nguyễn Mạnh Cường - Quản lý Nhà máy Chế biến, Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc, Phú Yên cho hay.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, chính quyền và các cơ quan ban ngành liên quan cũng đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhằm duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy.
Ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cũng đề xuất kiến nghị các cấp tạo điều kiện không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Còn bên sản xuất khai thác nuôi trồng thì chúng tôi cũng duy trì được hoạt động của các cảng cá".
"Vấn đề liên quan đến vaccine COVID-19 chúng tôi cũng cố gắng phủ cho đều và hết các đối tượng doanh nghiệp để đảm bảo rằng họ có thể tiến hành các hoạt động sản xuất một cách an toàn", ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, trở về trạng thái hoạt động bình thường mới sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội. Là địa phương có thế mạnh về hoạt động khai thác và chế biến thủy sản xuất khẩu, Phú Yên cũng đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngay sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các phương án khôi phục sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Chiều 15/10, Bộ Công Thương cũng đã có cuộc làm việc trực tuyến với các địa phương. Những khó khăn phổ biến vẫn được nêu ra như: chi phí lớn khi thực hiện 3 tại chỗ, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, vận tải khó khăn, thiếu lao động...
Điều đó để thấy rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết để phục hồi sản xuất. Chưa kể sức ép từ khủng hoảng năng lượng thế giới, rất nhiều chi phí có nguy cơ tăng vọt sẽ đe dọa đến sức đề kháng vốn đã mong manh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần dự liệu khi các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp rất lớn trong cuộc chiến chống dịch vừa qua. Giờ là lúc mà chính các doanh nghiệp cần được tiếp sức cho chặng đường phía trước. Nguồn lực tiếp sức không gì khác chính là một chính sách vừa đủ thông thoáng, đồng bộ ở mọi cấp để không xảy ra tình trạng chia cắt, thiếu đồng bộ.
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay ngày 15/10 với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
Nguồn VTV