Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp (DN) cần nâng cao năng lực sản xuất. Từ những bài học kinh nghiệm trong đợt dịch lần thứ tư, các DN đã có những kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế vừa kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục, phát triển kinh tế.
Ưu tiên bảo toàn lực lượng lao động
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử được các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
“Thực tế đã cho thấy, những khó khăn do Covid-19 gây ra mang lại cơ hội cho các “hoạt động không tiếp xúc” với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, internet, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và dữ liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành Công Thương, góp phần nâng cao hiệu quả và năng suất của các DN; thúc đẩy các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số như thương mại điện tử, e-B2C, e-B2B…”, ông Hoàn nhận xét.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dệt may là ngành thâm dụng lao động, việc ổn định người lao động tại DN rất quan trọng. Một số đơn vị thuộc Vinatex ở phía Nam có tới 35.000 lao động, trong giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng vào quý 3/2021, việc áp dụng “3 tại chỗ” khá khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải quyết định cho lao động ngừng việc hẳn để đảm bảo an toàn, sau đó mới quay trở lại sản xuất.
Bài học vượt khó được ông Vương Đức Anh chia sẻ với trường hợp của Vinatex là ưu tiên bảo toàn lực lượng lao động, duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. “Nhờ các doanh nghiệp duy trì liên kết chặt chẽ với người lao động, hiện tại, tỷ lệ huy động lao động quay trở lại làm việc của toàn Tập đoàn đã đạt 95%. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của toàn Vinatex đạt 90%, mũi 2 đạt 85%. Đây là những điểm hỗ trợ rất quan trọng giúp Tập đoàn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt năm nay”, ông Đức Anh cho biết.
Đánh giá việc làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khoá” giúp DN phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, ông Vương Đức Anh chia sẻ, DN Vinatex cũng đã có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng nội địa từ sợi, dệt nhuộm, may…
Trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, ông Vương Đức Anh cho rằng, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, dù thị trường bán lẻ trong nước còn chiếm quy mô nhỏ, song việc thúc đẩy tiêu thụ bán hàng qua các kênh trực tuyến, phát triển bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn… cũng là chiến lược giúp nâng cao tiêu thụ dệt may trong nước, giảm phụ thuộc biến động thị trường bên ngoài.
Doanh nghiệp tăng tính chủ động
Khẳng định vai trò cốt yếu của người lao động của DN sản xuất trong bối cảnh dịch, ông Bennet Neo, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, vào giai đoạn đỉnh dịch, Sabeco đã thực hiện “3 tại chỗ”. Hầu hết nhân viên đều làm việc tại nhà. Các cuộc họp để cập nhật tình hình Covid-19 được tổ chức hàng ngày, đảm bảo sự an toàn, tinh thần, sức khoẻ của hơn 13.000 nhân viên.
“Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine của Sabeco khoảng 72% đã tiêm đủ 2 mũi, 82% đã tiêm đủ 1 mũi. “Chúng tôi đảm bảo giữ công việc của nhân viên, không ai bị sa thải cũng như không có việc cắt giảm lương. Trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi cũng vẫn đảm bảo việc sản xuất, chuỗi cung ứng đảm bảo liên tục, suôn sẻ”, ông Bennet Neo nói.
Vị này chia sẻ thêm, ngăn chặn virus là yếu tố tiên quyết ưu tiên hàng đầu của DN. Ngoài ra, có một vài bộ phận khác hỗ trợ hồi phục khả năng sản xuất cũng như chuỗi cung ứng của Công ty. Sabeco tiến hành các cuộc họp hàng tuần về bán hàng, lên kế hoạch… nhằm đảm bảo cân đối nhu cầu sản xuất, vận chuyển cũng như quản lý được hàng tồn kho…
Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thời điểm đầu khi dịch bệnh bùng phát mạnh, 3 chợ đầu mối phải đóng cửa, có những thời điểm siêu thị đóng cửa lên tới 2-3 tuần… dẫn tới cung ứng hàng hoá cho người dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự thống nhất của Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công Thương), sự tham gia của các lực lượng, tổ chức xã hội… cũng như thí điểm mở cửa cho shipper hoạt động nên sau 1 tuần việc cung ứng hàng hoá đã ổn định trở lại.
Có kết quả này ông Phương cho rằng, đó là sự liên kết giữa các sở ngành TP.HCM với các địa phương chặt chẽ nên đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của DN hết sức cao đặt biệt các nhà cung ứng, phân phối, cùng sự vào cuộc nhanh chóng của các ban ngành.
“Quan trọng nhất đó là nhận thức và trả về đúng vai trò của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng như lực lượng shipper, logistics. Cũng như sự tham gia kịp thời của các chủ thể liên quan như các doanh nghiệp logistics, chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm phi thực phẩm (các cửa hàng thuốc)… trong thiết lập kênh phân phối mới, cung ứng hàng hoá qua các chuỗi này nên hàng hoá cung ứng kịp thời đến tay người dân…”, ông Phương chia sẻ./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN