Đánh giá tác động của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp theo vùng và khu vực kinh tế. |
Ngày 16/9, tại Hà Nội, chương trình công bố Báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam đã diễn ra. Báo cáo với tiêu đề “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quỹ châu Á tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Chuyển phát nhanh toàn cầu (UPS) thực hiện, là kết quả điều tra của gần 10.400 doanh nghiệp trên toàn quốc.
Báo cáo đã cho thấy, biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đó là tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Các doanh nghiệp ở vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại.
Theo kết quả điều tra, giá trị trung bình tổn thất vì thiên tai, biến đổi khi hậu đối với 1 doanh nghiệp là khoảng 95,2 triệu, tuy nhiên một số doanh nghiệp có mức tổn thất rất lớn. Gần 100 doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tính cần thiết của việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua nhiều giải pháp đa dạng từ đơn giản đến phức tạp.
Điều đáng mừng là một số lượng đáng kể doanh nghiệp đã điều chỉnh phương thức kinh doanh, nâng cấp công nghệ sản xuất và mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai.
Kết quả điều tra cho thấy, 44,5% doanh nghiệp cho biết họ đang sử dụng một loại sản phẩm bảo hiểm nhất định, loại sản phẩm bảo hiểm phổ biến mà các doanh nghiệp hiện đang sử dụng là bảo hiểm cơ sở vật chất, máy móc và hàng hóa. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng bảo hiểm tỷ lệ thuận với quy mô của doanh nghiệp. 86% doanh nghiệp đánh giá sản phẩm bảo hiểm đã mua là hữu ích.
Cùng với đó, đa số doanh nghiệp còn nhận thức biến đổi khí hậu ngoài tạo ra những thách thức còn đem lại cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Vì thế, trung bình, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường; chi trả 7,44% chi phí hoạt động để cải thiện mức độ tuân thủ các quy định về môi trường.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chúng ta đang ở trong thời điểm mà cách hành xử với môi trường sẽ có ý nghĩa quyết định đến tương lai của chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Tất cả chúng ta cần hành động để hướng tới một nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn.
Do đó, vị Chủ tịch VCCI mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, với sự năng động và sáng tạo của mình, sẽ có tiếng nói quan trọng trong hoạt động ứng phó và thích nghi với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu.
Để làm được điều này, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác và nêu tiếng nói về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cần bỏ tư duy “chưa đến lúc” đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cần thực hiện ngày những hành động bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất.
ST