Tác động tiêu cực…
Là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất trên thế giới nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu với sự gia tăng của nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan. Theo Báo cáo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu (CRI) 2020 do Germanwatch công bố, trong giai đoạn 1999-2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong số các quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Với tổng số 226 vụ do thiên tai gây ra trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có 285 người thiệt mạng và chịu thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.
Báo cáo 'Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Quỹ châu Á tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ UPS thuộc Tập đoàn Chuyển phát nhanh Quốc tế UPS (Mỹ) công bố mới đây cho thấy, trong số 10.356 doanh nghiệp tham gia khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn bị tác động bởi biến đổi khí hậu tương đối nhiều/rất nhiều cao nhất trong việc bị gián đoạn sản xuất kinh doanh, lên đến 54%. Kế đến là năng suất lao động bị giảm do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu, đều ở mức 51%.
Có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp phản ánh về bị gián đoạn kênh vận chuyển (46%) và tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (44%). Tiếp đến, không ít doanh nghiệp cho biết, có tác động tương đối nhiều/rất nhiều về khía cạnh mạng lưới phân phối bị đình trệ (38%), giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (37%), thiệt hại cơ sở vật chất (34%) và thiếu hụt nhân lực (33%). Thậm chí, có tới 33% doanh nghiệp chịu tác động tương đối nhiều/rất nhiều của việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Diễn đan doanh nghiệp
Những hiện tượng mà các doanh nghiệp lo ngại nhất bao gồm: hiện tượng nắng nóng kéo dài (25,6%), mưa lớn kèm bão/áp thấp nhiệt đới (17,3%) và ngập lụt ở nơi trước đây hiếm khi xảy ra (10,7%). Đây là ba hiện tượng có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất. Đặc biệt các doanh nghiệp ở vùng duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn so với các vùng còn lại.
Ngân hàng Thế giới dự báo biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam từ nay đến 2050 và sẽ tác động tiêu cực đến thành tựu vĩ mô, cải cách thể chế, đảm bảo mục tiêu bền vững môi trường.
… và cơ hội thay đổi
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ có tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp tại Việt Nam, song liệu các doanh nghiệp có nhận thấy cơ hội trong bối cảnh đó?
Theo Báo cáo "Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam", khoảng 30% doanh nghiệp cho biết họ nhận thấy có cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất. Có 18% doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới. Một tỷ lệ tương tự, 18%, cho biết bối cảnh này mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường cho sản phẩm đang có. Khoảng 12% cho rằng mang lại cơ hội xây dựng thương hiệu, như sản phẩm thân thiện với môi trường cho doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường là: (1) Chất lượng lao động tại địa phương; (2) Môi trường kinh doanh tại địa phương; (3) Chiến lược hát triển thị trường mới cho sản phẩm hiện tại của doanh nghiệp; (4) Mong muốn của doanh nghiệp gia nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; (5) Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang được Chỉnh phủ, các địa phương và doanh nghiệp quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh phương thức kinh doanh, nâng cấp công nghệ sản xuất và mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai. Nhiều DN đã triển khai các hoạt động như điều chỉnh giờ làm việc do thời tiết khắc nghiệt, đào tạo cán bộ, nhân viên về ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, tham gia ứng cứu, khắc phục sau thiên tai…
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hiện nay, cách hành xử với môi trường sẽ có ý nghĩa quyết định đến tương lai của chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Tất cả cần hành động để hướng tới một nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cần nâng cao chất lượng thực thi các quy định pháp luật để những chính sách liên quan đến ứng phó rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống./.
PV tổng hợp theo Diễn đàn doanh nghiệp