Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới có sự phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu yếu, chi phí gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài khóa, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng; quy định chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm…
Thực tế từ các Hiệp hội và DN cho thấy, những khó khăn hiện nay DN đang đương đầu đó là sự sụt giảm đơn hàng, khó khăn tiếp cận nguồn vốn, xu hướng việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Điều này khiến các DN bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của DN cạn kiệt…
Là DN trong lĩnh vực sản xuất cung ứng thực phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại Song Phương - bà Nguyễn Thị Phương cho biết, do dịch Covid-19 và tác động từ nền kinh tế thế giới, chi phí nguyên liệu cao, giá điện, xăng dầu không ổn định, đơn hàng của DN bị sụt giảm, đầu ra khó,… đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DN, dẫn đến doanh thu giảm, việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút.
Nhận thấy thị trường trong nước khó khăn do sức tiêu thụ yếu, DN đã tìm đến những đơn hàng xuất khẩu tại các nước lân cận. Khi giao dịch được ký kết, việc lo vốn để tái thiết và tập trung vào sản xuất lại gặp vấn đề. Quá trình tiếp cận dòng tiền và các nguồn vốn của DN gặp quá nhiều rào cản, trong đó vấn đề làm thủ tục chiếm tới 80%.
“Các ngân hàng đề cập đến các gói bảo hiểm mới giải ngân; một số ngân hàng yêu cầu DN chứng minh báo cáo tài chính trong 2 năm dịch Covid-19,… nên việc tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất gần như bế tắc. Để tháo gỡ về vốn, DN mong muốn Chính phủ cần có những hành động, chỉ đạo thiết thực để NHNN hỗ trợ tiếp cận vốn một cách nhanh và hiệu quả nhất”, vị này nói và cũng chỉ ra một số giải pháp như hoãn nợ thuế, giảm thuế VAT cho các DN vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Qua nắm bắt tình hình thực tế từ các DN hội viên, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) phản ánh, sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch để nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, rất nhiều DN đã khó khăn nay lại thêm khó bởi đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng, hàng tồn kho, mất bạn hàng đối tác, gần đây thêm khó khăn về nguồn điện sản xuất. Đặc biệt, các DN quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cần nhiều sự quan tâm về cơ chế chính sách, nguồn vốn, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Đồng tình với việc các NHTM giảm lãi suất cho vay với DN trong lúc còn khó khăn là điều vô cùng cần thiết, song theo ông Vân, để DN tiếp tục phục hồi, duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất kinh doanh, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, phân phối tiêu thụ sản phẩm.
“Để hỗ trợ DN trong thời gian tới, HANSIBA mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, đặc biệt là khối DN ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ, qua đó giúp DN cùng hệ thống NHTM phát triển bền vững”, ông Nguyễn Vân đề xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, khó khăn đang bủa vây các DN, nhất là DN nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại. Do đó, dù việc hỗ trợ của ngành ngân hàng đã làm tốt rồi, nhưng số lượng DN không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
“Hiệp hội DN nhỏ và vừa nhận thấy, ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các DN cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Về dài hạn, Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm DN nhỏ và vừa từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất...”, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN