Trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta đã không ngừng đổi mới tư duy nhận thức, bổ sung, phát triển đường lối BVTQ phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; tổ chức và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Trên cơ sở thành tựu, kinh nghiệm về lý luận, thực tiễn đổi mới đất nước và tổng kết sâu sắc 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, ngày 25-10-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Đây là nghị quyết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện đường lối, tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ BVTQ.
Sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu. Ảnh minh họa: QĐND |
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, nhằm đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI từ năm 2013 đến 2023; những ưu điểm, kết quả nổi bật; những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và BVTQ trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức rất lớn do biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Những thắng lợi đó trước hết thể hiện sự đột phá về tư duy lý luận của Đảng về BVTQ trong tình hình mới, cụ thể như sau:
Một là, về quan điểm, tư duy mới của Đảng ta về BVTQ
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN”.
Đặc biệt, nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 7 quan điểm, 3 phương châm chỉ đạo; 6 nhiệm vụ và giải pháp BVTQ Việt Nam XHCN. Quan điểm, tư duy về BVTQ được Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đề cập bao quát toàn diện về nhận thức và tổ chức thực hiện; chiến lược và sách lược; xây dựng và bảo vệ; sự toàn diện và những trọng tâm, trọng điểm cần tập trung giải quyết; trách nhiệm lãnh đạo, quản lý điều hành và thực hiện; vai trò các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân và lực lượng vũ trang...
Đến Đại hội XII (tháng 1-2016), Đảng ta tiếp tục chỉ rõ quan điểm, tư duy BVTQ là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”; đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm về quốc phòng, an ninh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”.
Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), quan điểm, tư duy về BVTQ có sự phát triển mới toàn diện, đó là: Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND), Công an nhân dân (CAND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo...
Tư duy mới về BVTQ của Đảng ta là: Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Sự nghiệp bảo đảm quốc phòng, an ninh, BVTQ đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh, BVTQ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hai là, tiếp tục khẳng định bước phát triển đột phá tư duy, lý luận về mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và nhận thức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Đảng về đối tác, đối tượng
Trước tình hình phức tạp của thế giới, trong thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ Việt Nam XHCN ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn. Đó là, cùng với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sự phát triển tư duy mới của Đảng đối với nhiệm vụ BVTQ, không chỉ bảo vệ trước sự tiến công từ bên ngoài biên giới quốc gia vào lãnh thổ, mà còn giữ ổn định bên trong; không chỉ bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động về mọi mặt ngay từ thời bình. Đây là định hướng chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Xác định đối tác, đối tượng là vấn đề rất cơ bản, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia. Trong quá trình đổi mới, Đảng đã phát triển nhận thức từ tư duy xác định kẻ thù đến tư duy xác định đối tác, đối tượng, khắc phục được nhận thức cứng nhắc về xác định “bạn-thù”, mở ra nhận thức mới về đối tượng, đối tác và sự đan xen, chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác. Theo đó, trong đối tượng có những mặt cần tranh thủ hợp tác, trong đối tác có những mặt cần cảnh giác đề phòng. Xác định đúng đối tác, đối tượng đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho xây dựng và BVTQ, nhất là trong các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Ba là, bổ sung, phát triển phương châm, phương thức BVTQ trong tình hình mới là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
Đây là phương châm chỉ đạo chiến lược, vấn đề căn cốt được đúc rút qua thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đó là: Kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước, dư luận quốc tế; phân hóa, cô lập các phần tử, thế lực ngoan cố chống phá Việt Nam;... chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Phương châm BVTQ của Đảng phản ánh nhận thức đúng tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp của công cuộc BVTQ trong tình hình mới; đồng thời vừa mang tính khái quát, vừa mang tính cụ thể, giúp cho quá trình thực hiện phát huy được tính chủ động trong xác định thành phần đối tượng, định ra các đối sách, giải quyết phù hợp. Đây là sự phát triển về tư duy lý luận phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra.
Bốn là, tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển quan điểm kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và BVTQ Việt Nam XHCN, tạo sức mạnh tổng hợp BVTQ trong tình hình mới
Đảng ta nhất quán quan điểm, tư tưởng sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh tổng hợp của các yếu tố: Chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, đối ngoại...; là sự kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn của Đảng. Quan điểm sức mạnh tổng hợp BVTQ phản ánh sâu sắc tính chất toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; qua đó củng cố, làm sâu sắc thêm nhận thức BVTQ là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mọi lực lượng, không phải riêng lực lượng vũ trang.
Năm là, tiếp tục làm sâu sắc tư tưởng, quan điểm “BVTQ từ sớm, từ xa”
Kế thừa bài học kinh nghiệm “giữ nước từ lúc chưa nguy” trong lịch sử, tư tưởng về BVTQ từ xa đã được Đảng ta nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn trong điều kiện mới. Đó là chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về đối ngoại cũng có sự phát triển mới, trong đó về đối ngoại quốc phòng: “Chủ động tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng”, với phương châm đối ngoại quốc phòng: “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”; thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế.
Sáu là, làm rõ bước phát triển chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
Trên cơ sở đổi mới tư duy BVTQ, Đảng đã chỉ đạo xây dựng, ban hành, hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện khá đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh; tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, BVTQ trong tình hình mới. Đây là bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, đột phá về nhận thức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh của Đảng, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp BVTQ.
Những kết quả nổi bật trong 10 năm qua gồm:
Một là, tư duy về quốc phòng, an ninh, BVTQ có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện; sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa và đối ngoại ngày càng hiệu quả.
Hai là, đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chiến lược quan trọng, như: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo đảm an ninh quốc gia, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng.
Ba là, nhận thức và giải quyết các mối quan hệ về đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng.
Bốn là, chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Năm là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường. Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, tham gia tích cực và hiệu quả gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Để thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, BVTQ, Đảng ta xác định: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, CAND và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, BVTQ. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong QĐND và CAND đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, BVTQ trong tình hình mới.
Quan điểm về BVTQ là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Nhìn lại 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới do Đảng lãnh đạo đã khẳng định: Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nhận thức, tư duy lý luận của Đảng về BVTQ đã không ngừng phát triển, đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ BVTQ trong những năm qua.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược, sách lược phù hợp với tình hình mới, nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đưa đất nước phát triển bền vững, hùng cường.
Nguồn QĐND