Chiều qua, 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia.
Chuyến thăm để lại dấu ấn thành công quan trọng khi hai nước thống nhất được nhiều nội dung hợp tác quan trọng hướng tới kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược vào năm 2023 cũng như mở ra một giai đoạn hợp tác tin cậy sâu sắc hơn, không gian rộng mở hơn, lĩnh vực toàn diện hơn.
Từ tin cậy chính trị…
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, Việt Nam và Indonesia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó đã 67 năm, được nhiều thế hệ hai nước dày công vun đắp. Hai nước đã có 9 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều thành tựu hợp tác quan trọng. Những nền tảng đó cho thấy, chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới trong quan hệ hai nước.
Indonesia có nhiều dinh Tổng thống, nhưng Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chọn Dinh Tổng thống tại Thành phố Bogor, tỉnh Tây Java để đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đây là nơi dành đón những vị khách quý, đặc biệt.
Tổng thống Joko Widodo cũng chủ trì lễ đón cấp nhà nước với những nghi thức rất đặc biệt, nhiều nghi thức văn hóa đặc sắc của Indonesia. Khi xe của Chủ tịch nước đến Dinh Tổng thống, từ cổng Dinh, một đội nghi lễ trong nhiều trang phục truyền thống, đội kỵ binh, quân nhạc, đón và dẫn đoàn xe của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến nơi Tổng thống Widodo đang chờ đón. Lễ đón còn có 21 loạt đại bác chào mừng.
Một hình ảnh ấn tượng ít thấy trong các chuyến thăm song phương, đó là Tổng thống Joko Widodo đã mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trồng cây sao đen trong Dinh Tổng thống tại Bogor. Đó chính là hình ảnh đẹp, biểu hiện sinh động của việc lãnh đạo hai nước tiếp tục “gieo sự tin cậy chính trị”, “gieo mầm xanh” hợp tác mới cho một giao đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia.
Thành quả, trái ngọt của sự hợp sẽ mang lại thịnh vượng cho nhân dân hai nước, góp phần để Việt Nam và Indonesia cùng hướng tới dấu mốc kỷ niệm 100 năm lập quốc ở mỗi nước vào năm 2045.
…đến hợp tác toàn diện
Thành công quan trọng của chuyến thăm là hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm cởi mở, thẳng thắn, cùng thống nhất nhiều biện pháp hợp tác hướng tới tương lai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai bên nhất trí Tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết; xây dựng chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược 2024-2028.
Đặc biệt, mục tiêu trước năm 2028, hợp tác thương mại đạt 15 tỷ USD và cao hơn, cân bằng hơn; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ và tăng cường các chuyến bay; tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, hợp tác biển; tăng cường kết nối giao lưu nhân dân giữa địa phương và doanh nghiệp.
Tổng thống Indonesia cũng thống nhất cao với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thúc đẩy hợp tác đầu tư hai nước và đánh giá cao lòng tin, sự tin cậy của Việt Nam đối với doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực; đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam giải quyết một số vấn đề nhà đầu tư Indonesia gặp phải. “Điều này góp phần thúc đẩy đầu tư mới trong tương lai” - Tổng thống Indonesia tin tưởng và cho rằng, với thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, sẽ giúp thúc đẩy phát triển điện mặt trời, công nghệ hydro và mạng lưới điện thông minh.
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong chuyến thăm hai bên cũng đã ký kết và trao đổi các văn kiện hợp tác trong 3 lĩnh vực gồm chống khủng bố; đấu tranh phòng chống tội phạm, chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất; hợp tác về năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN đánh giá về mục kim ngạch thương mại song phương tiêu đạt 15 tỷ USD vào trước năm 2028 mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Widodo thống nhất, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Shinta Widjaja Kamdani tin tưởng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên cần khắc phục một số điểm để đạt tối ưu hóa thương mại. Với tiềm năng đầu tư lẫn nhau còn lớn, Chính phủ hai bên cần tiếp tục kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp hai nước.
Một lĩnh vực mà hai nhà lãnh đạo hai nước, các chuyên gia đều chung nhận định, đó là doanh nghiệp hai nước có tiềm năng rất lớn trong hợp tác là sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal, bởi thị trường hết sức rộng lớn không chỉ tại Indonesia mà thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cần thực sự hiểu về thị trường của nhau để đưa hàng hàng hóa nước này xuất khẩu vào nước kia.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo cũng nhất trí hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc thế, nhất là ASEAN và LHQ; thẳng thắn trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra thông điệp mạnh mẽ ủng hộ Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2023.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết, Việt Nam ủng hộ bạn và ngược lại bạn cũng rất trân trọng ủng hộ đóng góp của Việt Nam, qua đó giữ được đoàn kết nhất trí và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng ủng hộ chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2023 là “ASEAN: Tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng”. “Điều đó cho thấy bạn mong muốn Indonesia cùng Việt Nam là hai nước tăng trưởng đầu tàu khu vực để thúc đẩy ASEAN là tâm điểm tăng trưởng khu vực và trên thế giới”: Bộ trường nói.
Dành thời gian thăm trụ sở Ban Thư ký ASEAN, gặp gỡ Tổng thư ký ASEAN và các đại sứ, đại biện các nước thành viên ASEAN, Chủ tịch nước nhấn mạnh thông điệp, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ với ASEAN, luôn nỗ lực, đóng góp tích cực để xây dựng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025.
… và coi trọng giao lưu nhân dân
Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo cũng nhất chí tạo thuận lợi để thúc đẩy giao lưu nhân dân, trong đó thúc đẩy hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, mở mới và tăng tần suất các chuyến bay. Điều này cũng được Chủ tịch nước đề cập khi dành thời gian tiếp Hội Hữu nghị Indonesia – Việt Nam.
Ông Ibnu Hadi, Cựu Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2020, cho rằng, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, đều là thành viên của ASEAN có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và đặc biệt là lịch sử đấu tranh giành độc lập. Indonesia tuyên bố độc lập vào tháng 8 và Việt Nam là tháng 9 năm 1945. Hai nước có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong thời gian qua, nên chuyến thăm Indonesia lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai nước về mọi mặt, tăng cường giao lưu nhân dân.
Để thúc đẩy giao lưu nhân dân, chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Indonesia, ông Mohammad Athoni, người từng nhiều lần đến Việt Nam, cho rằng, thế hệ trẻ mỗi nước, chủ nhân tương lai của Indonesia và Việt Nam hãy đến và khám phá đất nước của nhau, từ đó hiểu về nhau nhiều hơn thông qua văn hóa, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tăng sự gắn kết, là nền tảng duy trì quan hệ hữu nghị hai quốc gia.
Luôn dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam trong các chuyến thăm, tại Indonesia, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy dù số lượng kiều bào không nhiều nhưng luôn đoàn kết, trí tuệ, trở thành cộng đồng được tôn trọng ở sở tại.
Chủ tịch nước mong muốn kiều bào ta tiếp tục giúp đỡ nhau cùng phát triển, trở thành cộng đồng mạnh, đóng góp phát triển nước sở tại và hướng về xây dựng quê hương, đất nước; yêu cầu Đại sứ Việt Nam tại Indonesia và các cơ quan đại diện tiếp tục cụ thể hóa các kết quả của chuyến thăm.
Việt Nam-Indonesia khởi đầu là những người “bầu bạn”, “anh em” đoàn kết, tương trợ nhau trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và ngày nay, những những người bạn, người anh em ấy tiếp tục là đối tác tin cậy của nhau, đoàn kết cùng hợp tác vì thịnh vượng chung của mỗi nước, của ASEAN, đưa hai nước phát triển hùng cường vào năm 2045./.
Vũ Dũng - Phạm Hà - Võ Giang/VOV