Phân bổ vốn chậm
Mục tiêu tổng quát được đặt ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đối tượng được hỗ trợ gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phát triển cho nền kinh tế… Thời gian thực hiện trong 2 năm 2022-2023.
Năm 2023, vốn dành cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 176 nghìn tỷ đồng và đến nay các ngành, địa phương đã phân bổ được hơn 147 nghìn tỷ đồng (hơn 83%). Chính phủ đã thông báo đến các bộ, cơ quan, địa phương để hoàn thiện thủ tục đối với các dự án còn lại và vừa qua đã có thêm 26 dự án được cơ quan chức năng xác định hoàn thiện thủ tục; nhưng cũng còn 24 dự án chưa xong, phải chờ đợi. Như vậy, vẫn còn một lượng vốn không nhỏ đang chờ phân bổ, trong khi thời gian chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện hết yêu cầu đặt ra.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét, nguyên nhân phân bổ vốn chậm có thể do việc tìm dự án phù hợp với định hướng của gói hỗ trợ này khó và phức tạp. Việc phân bổ vốn chậm sẽ khiến việc giải ngân vốn khó khăn hơn, cũng như tốn thời gian hơn, ảnh hưởng đến kết quả chung. Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, mỗi đồng vốn đều rất quý giá và gắn liền với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Chậm đưa vốn vào thực tế là lãng phí nguồn lực, thời gian và các đơn vị hữu quan cần “chạy đua với thời gian” để bảo đảm hiệu quả của chương trình.
Liên quan đến nội dung trên, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết về giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch năm 2023 để tổng hợp, báo cáo hằng tháng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 95/CĐ-TTg (ngày 4-3-2023) yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc tập trung triển khai các đầu việc liên quan.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ
Mới nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 202/QĐ-TTg (ngày 8-3-2023) về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, hơn 14.710 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương được giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là phải sớm bố trí nguồn vốn này đến từng dự án.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vốn cần tập trung cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2022-2025. Ngoài ra, ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài việc giải ngân nguồn vốn trên, các chuyên gia cho rằng cần bám sát, thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm; tiếp tục rà soát, hỗ trợ kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội… Chính phủ đã chỉ đạo sớm trình phương án miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...
Đặc biệt, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, Chính phủ nên theo dõi chặt chẽ kết quả, tác động tổng hợp trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động, linh hoạt trong điều hành nhất là giải quyết tốt vấn đề tỷ giá, tiền tệ…
Theo Hanoimoi.com.vn